(MPI) – Tại họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đầu tư công diễn ra chiều ngày 20/12/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã giới thiệu nội dung chính của Luật này và nhấn mạnh, các chính sách được quy định tại Luật sẽ phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, qua đó giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu |
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật đầu tư công là tiếp tục thể chế hóa, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…
Các chính sách sửa đổi tại Luật là các vấn đề “đã chín”, “đã rõ”, thực sự quan trọng, thực sự cấp bách và được kiểm nghiệm trên thực tế, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa tại Luật. Các chính sách mới được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở chỉ ra các tồn tại, hạn chế, làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đổi mới phân cấp, quy định rõ thẩm quyền đối với từng cấp, từng chủ thể quản lý thực hiện đầu tư công so với Luật hiện hành, nâng cao tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Kế thừa, phát huy các ưu điểm, thành quả của Luật Đầu tư công năm 2019, sửa đổi có chọn lọc, tránh gây xáo trộn lớn, tạo điều kiện triển khai Luật ngay sau khi được Quốc hội ban hành.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung, làm rõ các quy định chưa thực sự rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các Luật, Nghị quyết mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; bổ sung một số quy định cần thiết để tạo căn cứ pháp lý trong thực hiện. Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
Việc sửa đổi, bổ sung luật phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ với các luật khác có liên quan; bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công.
Qua đó, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đến năm 2030, năm 2045 và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Về một số quy định mới chủ yếu của Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 đã cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn.
Một là, nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, bao gồm: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C); Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.
Hai là, nhóm chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bao gồm: Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng.
Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý. Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.
Phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn NSTW từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Ba là, nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: Cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án.
Cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cho phép Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Cho phép giao nhiệm vụ và kế hoạch vốn hằng năm cho chủ đầu tư dự án không phải là đơn vị trực thuộc.
Bốn là, nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn nước ngoài, bao gồm: Cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW và vốn cho vay lại của NSĐP không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại; Đơn giản hóa nội dung về Đề xuất dự án.
Phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài. Bổ sung quy định về thời gian bố trí kế hoạch vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài.
Bổ sung quy định dừng sử dụng vốn ODA và vốn nước ngoài. Đơn giản hóa việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại.
Năm là, nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm: Đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm; Quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến.
Quy định, làm rõ một số khái niệm, nội dung cụ thể nhằm thống nhất cách hiểu, cách triển khai bảo đảm đồng bộ giữa các bộ, cơ quan, địa phương.
Quy định hạn mức chuyển tiếp 20% đối với các dự án thực hiện qua hai kỳ trung hạn không áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia, bổ sung quy định áp dụng theo từng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương. Đối với vốn ODA, chỉ áp dụng hạn mức 20% đối với tổng số vốn ODA của cả nước.
Các chính sách nêu trên trong thời gian tới sẽ phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, qua đó giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh./.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Luật Đầu tư công có hiệu lực từ tháng 01/01/2025. |
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-23/Nhieu-quy-dinh-moi-cua-Luat-Dau-tu-cong-sua-doi-t27jxn.aspx