Ngày 11/7, phát biểu tại một hội nghị do công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global tổ chức tại London (Anh), nhà kinh tế trưởng của đơn vị này Paul Gruenwald cho rằng, đồng USD không còn sức hút như trước.
Vai trò thống trị của đồng USD trên thị trường giao dịch quốc tế đang giảm dần. (Nguồn: Reuters) |
Ông Paul Gruenwald giải thích, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ đối với Nga vào năm ngoái – chẳng hạn như đóng băng nguồn dự trữ trị giá hàng trăm tỷ USD – đã khiến một loạt quốc gia bắt đầu phân tán rủi ro thanh khoản bằng cách thực hiện một số giao dịch bằng các loại tiền tệ khác.
Đồng thời, các quốc gia này cũng tăng cường hoạt động dự trữ vàng.
Điều này có thể được quan sát thấy thông qua sự trỗi dậy của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong các hoạt động thương mại quốc tế thời gian gần đây. Nhiều quốc gia chọn sử dụng nội tệ Trung Quốc để thực hiện giao dịch, đặc biệt là với Bắc Kinh và Moscow.
Bên cạnh đó, nguồn tài chính giá rẻ do các ngân hàng phát triển có trụ sở tại Trung Quốc cung cấp, như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu hàng đầu thế giới (BRICS), chủ yếu cũng được giải ngân bằng đồng NDT.
Nhà kinh tế trưởng của S&P Global nhấn mạnh: “Đồng USD sẽ tiếp tục là đồng tiền phổ biến nhất thế giới, nhưng sẽ không còn là đồng tiền thống trị duy nhất”.
Trong khi đó, theo Bloomberg, lý do thúc đẩy phi USD tương đối giống nhau. Đồng bạc xanh đang bị “vũ khí hóa” để trừng phạt những quốc gia bị coi là đối thủ hoặc đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Đây là lời cảnh báo về sự phụ thuộc vào đồng USD.