Chất vấn tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) phản ánh thực trạng nhiều công ty, nhà đầu tư, phòng khám đa khoa tư nhân thách thức các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Đó là sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoạt động 3-4 tháng, các đơn vị này tuyên bố giải thể rồi lại lập công ty mới, mở phòng khám khác. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên quản lý và nhân viên y tế hoàn toàn là người cũ trước đó, thậm chí hoạt động ở ngay tại địa điểm đó với tên gọi hoàn toàn mới.
Đại biểu tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở được cấp một giấy phép hoạt động duy nhất. Đây là căn cứ để các phòng khám tư nhân hành nghề và phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực. Với điều kiện về nhân lực, đơn vị buộc phải có số lượng người làm việc toàn thời gian, người hành nghề phải đăng ký và đáp ứng các điều kiện như không được hành nghề tại hai cơ sở cùng thời gian.
Nếu người hành nghề làm toàn thời gian tại một cơ sở khám chữa bệnh, thì khi cơ sở đó bị đình chỉ, người này không thể làm ngay cho cơ sở khác, mà phải chấm dứt hợp đồng lao động tại cơ sở vừa vi phạm.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, một số phòng khám tư bị đình chỉ thường do lỗi của người chịu trách nhiệm chuyên môn cơ sở đó. Do vậy, khi vi phạm, tùy theo mức độ, người chịu trách nhiệm chuyên môn chính có thể bị tước giấy phép hành nghề, chưa thể hoạt động ngay. Các phòng khám muốn hoạt động lại thì phải thực hiện theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu mới được cấp giấy phép.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, qua phản ánh của đại biểu, Bộ Y tế ghi nhận và sẽ lưu ý trong quá trình triển khai các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là liên quan tới các hành vi vi phạm, cần chú ý tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/nhieu-phong-kham-thay-ten-doi-ho-sau-khi-bi-xu-phat-thach-thuc-co-quan-quan-ly-ar906890.html