Doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn qua sàn chứng khoán
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch và thực hiện huy động vốn giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng qua sàn chứng khoán. Mục tiêu huy động vốn phần lớn nhằm tái cơ cấu nợ, mua bán hoặc đầu tư dự án nhằm chuẩn bị nguồn lực bước vào cuộc chơi mới.
Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) có kế hoạch chào bán cổ phiếu với giá 10.000 đồng/đơn vị nhằm huy động hơn 11.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV năm nay.
Với số huy động được, tập đoàn này dự kiến dùng gần 10.600 tỷ đồng để góp vốn vào công ty con; hơn 855 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ và thanh toán một phần các khoản phải trả; hơn 140 tỷ đồng để thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; gần 139 tỷ đồng để thanh toán chi phí vận hành chung.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) thông qua việc phát hành 300 triệu cổ phiếu theo hình thức đấu giá, thu về tối thiểu 15.000 tỷ đồng.
Mục đích tăng vốn nhằm dùng 6.300 tỷ đồng để đầu tư dự án, 3.634 tỷ đồng để góp vốn vào các thành viên hiện hữu; 5.066 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính. Trong đó, công ty sẽ dồn lực phát triển một số dự án như Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Cây Trường mở rộng…
Một doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch huy động nghìn tỷ đồng từ cổ phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC). Công ty này muốn huy động 1.000 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ, dự kiến dùng 520 tỷ đồng để thanh toán tiền nợ thuế, nợ trái phiếu và nợ tại BIDV; mua một phần dự án tại Khu dân cư Đại Nam (Bình Phước) và Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng – Hàm Liêm (Bình Thuận).
Một số doanh nghiệp bất động sản khác như Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG), Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng huy động tiền từ phát hành cổ phiếu.
Trong đó, Phát Đạt vừa hoàn tất đợt phát hành, thu về 1.343 tỷ đồng, dự kiến để thực hiện các dự án bất động sản của công ty như Phân khu 2 và 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), dự án Bắc Hà Thanh (Bình Định), 2 dự án nhà Thuận An 1 và 2 (Bình Dương).
Tập đoàn Đất Xanh muốn thực hiện 2 đợt phát hành: chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá tối thiểu 12.000 đồng/đơn vị và 93,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá tối thiểu 18.600 đồng/đơn vị. Tổng số tiền thu về ít nhất khoảng 3.541 tỷ đồng, công ty dùng để góp vốn và tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty con; thanh toán nợ trái phiếu, nợ công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Dù đã cố gắng nhưng còn khó khăn
Để thuyết phục nhà đầu tư “xuống tiền” trong các đợt huy động vốn, doanh nghiệp cũng đã cố gắng đạt kết quả kinh doanh tốt trong năm 2023 và cải thiện tình hình hiện tại. Tập đoàn Novaland trong năm 2023 đạt gần 486 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm khoảng 7.156 tỷ đồng nợ vay so với năm trước.
Vướng mắc pháp lý tại các dự án cũng được Novaland tiếp tục gỡ vướng, chẳng hạn như dự án Aqua City tại Đồng Nai, hay việc triển khai tại 2 dự án ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được tiến hành.
Với Công ty Phát Đạt, sau khi vượt khỏi vòng xoáy khủng hoảng kéo dài và trả hết nợ trái phiếu, doanh nghiệp đặt kế hoạch năm nay với doanh thu 2.982 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, lần lượt gấp 5 lần và tăng 29% so với thực hiện năm trước. Để thực hiện chiến lược, năm nay, công ty này đẩy mạnh phân phối sản phẩm tại các dự án tại Bình Dương, Bình Định, Côn Đảo…
Ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch Đất Xanh – kỳ vọng thị trường bất động sản năm nay sẽ khởi sắc và chuyển biến tích cực vào năm 2025. Công ty đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý 8 dự án quy mô lớn, đặc biệt trọng tâm là khu vực phía Nam…
Năm nay, công ty này đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 5% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 31%, lần lượt đạt 3.900 tỷ đồng và 226 tỷ đồng. Trong trung và dài hạn, công ty hướng tới việc mua và tích lũy những dự án bất động sản có vị trí đẹp, đã có mặt bằng hoàn chỉnh, pháp lý rõ ràng; hoàn thiện các thủ tục.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), huy động vốn trên sàn chứng khoán sẽ là một trong những hoạt động nổi bật trong nửa cuối năm nay của các công ty bất động sản nhằm tái cấu trúc nợ vay, đáp ứng các nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước và chi phí phát triển dự án tăng cao.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng nhìn nhận sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn, chi phí phát triển dự án ngày càng gia tăng.
Khả năng thành công trong các đợt huy động vốn của doanh nghiệp cũng là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tại cuộc họp mới đây của Tập đoàn Danh Khôi, nhiều cổ đông chất vấn ban lãnh đạo về đợt phát hành có thành công hay không, khi giá cổ phiếu chào bán (10.000 đồng/đơn vị) cao hơn nhiều giá đang giao dịch trên sàn (khoảng 4.700 đồng/đơn vị).
Ông Lê Thống Nhất – Chủ tịch HĐQT – nói Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban điều hành đã chuẩn bị cho kế hoạch phát hành này trước 12 tháng nên khá tự tin về kết quả. Dù chưa thể tiết lộ cụ thể danh sách nhà đầu tư tham gia nhưng ông cho biết đến hiện tại, kế hoạch chào bán đã đạt được hơn 40%.
Một vấn đề khác là việc thu xếp nguồn tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính trái phiếu. Theo báo cáo tháng 5 của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 7 tháng còn lại của năm nay, khoảng 69.627 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn, chiếm gần 43% toàn bộ thị trường.
Trong khi ngành bất động sản gần như vắng bóng trên thị trường phát hành mới trái phiếu thì nhiều doanh nghiệp lại chậm thanh toán gốc và lãi với trái chủ. Một số ý kiến cho rằng khả năng trả nợ của doanh nghiệp ngành này vẫn ở mức yếu, áp lực trái phiếu vẫn lớn trong năm nay và năm sau.
Vì vậy, doanh nghiệp dường như vẫn đang đứng giữa 2 đầu để cân nguồn vốn ra và vào, làm sao có dòng tiền giữ lại phát triển dự án, duy trì hoạt động, nâng cao năng lực tài chính.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/nhieu-ong-lon-bat-dong-san-tim-duong-giai-toa-con-khat-von-20240628102721209.htm