Bến Tre chi 36 tỉ đồng để có nước ngọt thô
Ngày 7.3, tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, độ mặn 5‰ đã xuất hiện từ nhiều ngày qua trên các sông chảy qua địa bàn TP.Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Dự báo, độ mặn sẽ tăng dần trong thời gian tới. Xâm nhập mặn trên các sông đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất của hơn 50.000 hộ dân ở Bến Tre.
Ông Trần Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre cho biết, công ty đang quản lý 5 nhà máy nước (Sơn Đông, An Hiệp, Lương Quới, Hữu Định và Chợ Lách) với tổng công suất 70.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 96.480 hộ dân và tổ chức trên địa bàn TP.Bến Tre cùng các huyện: Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách. Nguồn nước thô được lấy từ sông Tiền, Ba Lai, Cổ Chiên và sông Giồng Trôm.
Gần đây, tại nhiều điểm lấy nước thô, nước đã bị nhiễm mặn nên công ty thực hiện phương án mua nước từ các sà lan chở nước ngọt thô cấp cho Nhà máy nước An Hiệp rồi hòa vào các nhà máy nước Hữu Định và Sơn Đông. Dự kiến, trong 3 tháng tới, công ty sẽ chi đến 36 tỉ đồng để mua nước thô với giá từ 18.000 – 22.000 đồng/m3.
“Phương án này buộc chúng tôi phải tăng giá thêm 4.000 đồng/m3 do nước cấp từ lượng nước thô mua của sà lan. Tuy tăng giá nhưng tổng thu chi ước đạt chỉ 7,2 tỉ đồng/tháng, lỗ khoảng 4,8 tỉ đồng/tháng. Chỉ có cách này mới đảm bảo lượng nước ngọt cấp kịp thời cho cơ quan trọng yếu có yêu cầu nghiêm ngặt về độ mặn nước như các bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy sản xuất… Riêng các nhà máy nước không tăng cường được nước ngọt thô thì chịu”, ông Bình nêu thực trạng khó khăn hiện nay.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ nhiều ngày qua, đa số các xã trên địa bàn 3 huyện vùng biển Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại đã xuất hiện các xe máy cày chở nước từ các mạch nước ngầm hiếm hoi trên địa bàn để bán cho các hộ dân với giá từ 100.000 – 300.000 đồng/xe (khoảng 1m3).
“Gia đình tôi xài nước từ Công ty cấp thoát nước Thanh Loan (công ty tư nhân – PV) nhưng từ Tết Giáp Thìn đến nay nước mặn, đục đến độ gội đầu không lên bọt, phải xả lại bằng nước mưa… nên phải mua nước từ xe máy cày”, chị T. (ngụ xã Tân Phong, H.Thạnh Phú) cho hay.
Tiền Giang mở 28 vòi nước ngọt cấp miễn phí cho dân
Ngày 7.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện độ mặn trên sông Tiền tại TP.Mỹ Tho đạt mức từ 2,2 đến 3,2‰, cao hơn cùng kỳ năm trước, đã tác động không tốt đến đời sống, sản xuất của hơn 51.000 hộ dân. Hiện, nhà máy xử lý nước tại TP.Mỹ Tho tạm ngưng hoạt động, một số nhà máy lấy nước thô tại H.Cái Bè vẫn đang hoạt động để cung cấp cho các vùng còn lại của tỉnh.
Để đảm bảo lượng nước ngọt tưới tiêu, sinh hoạt của hơn 1,1 triệu dân Tiền Giang và Long An, tỉnh Tiền Giang đã đóng đập Nguyễn Tấn Thành trong lúc dự án thủy lợi ngăn mặn lớn thứ 2 của miền Tây này vẫn đang trong quá trình thi công.
Các kênh, rạch nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công (gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX.Gò Công) cùng huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang cạn kiệt dần. Đây là vùng không có mạch nước ngầm ngọt nên câu chuyện nước mặn luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với cư dân ở đây.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, hiện nhu cầu cấp nước ngọt vùng ngọt hóa Gò Công và Tân Phú Đông khoảng 80.000m3/ngày đêm, trong khi các tuyến ống cấp tối đa chỉ được khoảng 60.000m3/ngày đêm. Do đó, tỉnh đã mở 28 vòi nước công cộng tại H.Gò Công Đông và H.Tân Phú Đông để cấp miễn phí cho người dân. Hiện, tuyến ống chuyển tải từ Nhà máy nước Đồng Tâm đã vượt công suất, dẫn đến một số vòi nước ở cuối tuyến khu vực phía đông bị yếu, thiếu nước cục bộ và rất khó khắc phục.
Song song câu chuyện nước ngọt sinh hoạt, khoảng 100.000 ha cây ăn trái ở Tiền Giang cũng đang “gồng mình” ứng phó trước “giặc mặn”. Tuy nhiên, các kinh nghiệm phòng, chống xâm nhập mặn của từ nhiều năm qua của người dân và các nỗ lực triển khai nhiều dự án về thủy lợi của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua vẫn đang phát huy hiệu quả.