Mức chi ở cấp huyện, xã thấp so với chi phí thực hiện thực tế
Thực tế cho thấy, Hà Nội có diện tích rộng, dân cư đông, các lĩnh vực quản lý phức tạp, đa dạng. Vì vậy, để bảo đảm cho công tác quản lý xã hội bằng pháp luật của chính quyền TP được công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả như chỉ đạo của Trung ương Đảng đặt ra trong giai đoạn hiện này thì cần tăng cường hiểu biết pháp luật và ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải cơ sở luôn có vai trò hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội đã cho thấy một số nội dung quy định tại các nghị quyết không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể là một số mức chi – nhất ở cấp huyện và cấp xã thấp so với nhu cầu thực tế chi phí thực hiện.
Ngày 18/8/2023 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có sự thay đổi so với các thông tư trước đó. Trong đó, Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định: Mức chi thực hiện công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. HĐND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định các mức chi cụ thể để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
Xuất phát từ thực tế đó cộng thêm cơ chế, chính sách có sự điều chỉnh tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, tại Kỳ họp thứ 17, trên cơ sở đề xuất của UBND TP, HĐND TP đã xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết quy định một số mức chi cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội để đảm bảo triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của Trung ương mới ban hành. Nghị quyết nêu rõ đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước cấp bảo đảm cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
Có 6/8 nhóm nội dung chi được áp dụng theo mức tối đa
Theo nghị quyết, mức chi cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở: gồm 8 nhóm nội dung chi với các mức chi cụ thể, trong đó có 6 nhóm nội dung chi được quy định theo mức chi tối đa quy định Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/20233; có 2 nhóm nội dung chi được dẫn chiếu quy định theo mức chi có nội dung chi cho đối tượng cùng tính chất công việc tại các Nghị quyết của HĐND TP hiện đang còn hiệu lực.
Nghị quyết đã quy định cụ thể mức chi cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở gồm: chi xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở và truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chương trình, đề án, kế hoạch của Hội đồng phối hợp PBGDPL, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, Ban chỉ đạo các chương trình, đề án, kế hoạch. Áp dụng mức chi tối đa quy định Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 (mức chi quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư số 56/2023/TT-BTC).
Chi thù lao báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở, người được mời tham gia thực hiện PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề Câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt với tư cách là giảng viên: chi theo quy định của TP về mức chi thù lao giảng viên quy định tại Phụ lục 02 Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Trường hợp thực hiện PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo quy định tại các Điều 17, 18, 19, 20, 21, 22 của Luật PBGDPL được hưởng thêm 20% mức thù lao được nhận.
Chi biên soạn một số tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đặc thù: Áp dụng mức chi tối đa quy định Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 (mức chi quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023).
Chi xây dựng và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt: Áp dụng mức chi tối đa quy định Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 (quy định tại khoản 12 Điều 3 Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023).
Nghị quyết cũng quyết nghị mức chi tổ chức cuộc thi, hội thi cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở; mức chi thực hiện báo cáo thống kê về hoạt động PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở; mức chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát về công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở…
Đáng chú ý, với mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết quy định chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải) là 300.000 đồng/vụ, việc. Trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở: 400.000 đồng/vụ, việc.
Dự kiến mức kinh phí bổ sung thực hiện năm 2024 đối với một số nội dung chỉ cụ thể về công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở quy định tại Nghị quyết sau khi được ban hành, là trên 10 tỷ đồng. Trong đó, cấp TP là trên 1.400 tỷ đồng; cấp huyện, thị xã là trên 2,600 tỷ đồng; cấp xã là trên 6,3 tỷ đồng. Mức kinh phí dự kiến trên năm trong khả năng cân đối, bố trí của Ngân sách của TP.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhieu-noi-dung-chi-cho-pho-bien-giao-duc-phap-luat-o-muc-toi-da.html