Tại giải chạy bộ Tay Ho Half Marathon 2024 vào sáng 14-4 vừa qua, nam vận động viên sinh năm 1990 bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, khi cách vạch đích khoảng 100m do ngừng tim. Người này được xác định có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.
Đây là một trong nhiều trường hợp gặp sự cố nguy hiểm đến sức khỏe khi tham gia các giải chạy bộ trong thời gian qua.
Trào lưu tích cực nhưng còn nhiều bất cập
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Phan Vương Huy Đổng – chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TP.HCM – cho rằng chạy bộ là môn thể thao phổ biến, trong đó các giải chạy việt dã 10km, half marathon, marathon, ultra marathon gần đây thường xuyên được tổ chức.
Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, dẫn đến mất an toàn cho người tham gia.
Thứ nhất, trong các giải người tham gia chạy bộ lên đến hàng ngàn người, ở nhiều độ tuổi khác nhau và tình trạng sức khỏe khác nhau. Không gian đường chạy rộng và thời gian chạy kéo dài 3-5 tiếng đồng hồ và đôi khi thiếu hụt lực lượng y tế nên khó kiểm soát… Rủi ro tăng cao và việc xử lý rủi ro cho người tham gia cũng bị hạn chế hơn.
Thứ hai, bộ môn thể dục thể thao nào cũng tốt cho sức khỏe người tập, khi tập đúng và phù hợp thể trạng.
Với riêng môn chạy bộ, chúng lại có tính lan tỏa cộng đồng cao, truyền năng lượng tích cực, nên thu hút nhiều người tham gia.
Phần lớn tham gia theo trào lưu và cảm thấy được động viên, hưng phấn, nên cố gắng chạy hết sức, “vượt lên chính mình” mà không rõ được nguy cơ đối với sức khỏe của bản thân. Đặc biệt ở người trẻ, thường đối diện nguy cơ hơn khi chủ quan nghĩ rằng bản thân mình còn trẻ khỏe.
Điều này còn cực kỳ nguy hiểm đối với những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, cơ xương khớp… Với cung đường chạy dài thì rủi ro rất cao như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, dẫn đến khó thở cấp tính, lên cơn hen suyễn, thậm chí đột quỵ tim, đột quỵ não, ngừng tim.
Thứ ba, với khí hậu thời tiết xứ nhiệt đới như nước ta, ban ngày nắng nóng, có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, say nắng; dẫn đến nguy cơ tụt huyết áp, ngất xỉu, suy thận cấp cho người tham gia nếu không bổ sung nước – điện giải đúng và kịp thời.
Không những thế, còn có các giải thi đấu diễn ra vào ban đêm và sáng sớm. Đây là thời điểm cơ thể thông thường được nghỉ ngơi và ngủ, nhưng lại thi chạy khiến đồng hồ sinh học bị rối loạn, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và an toàn trên đường chạy.
“Do tính tích cực và tính lan tỏa cao với nhiều người tham gia, nên ban tổ chức khó kiểm soát được hết tình trạng sức khỏe của người tham gia.
Thêm hiệu ứng đám đông tạo hưng phấn trong cộng đồng rất lớn và ai cũng muốn “vượt lên chính mình” nên có thể dẫn đến những rủi ro nhất định, đặc biệt là những cung đường chạy dài mà y tế không đáp ứng đầy đủ”, bác sĩ Huy Đổng chia sẻ.
Phân loại giải chạy, tổ chức chặt chẽ, quan tâm người tham gia
Trước những rủi ro nhất định đối với sức khỏe người tham gia, theo bác sĩ Huy Đổng, nên phân loại các giải chạy và tổ chức chặt chẽ hơn. Có đội ngũ y tế đầy đủ phân bố nhiều cung đường và phù hợp với số lượng người chạy.
Đồng thời cần quan tâm, giáo dục phổ biến cho người tập về giới hạn sức khỏe của bản thân và các dấu hiệu nguy hiểm để ngừng tham gia kịp thời.
Với những người có bệnh lý nền (đặc biệt bệnh tim mạch, cao huyết áp, cơ xương khớp…), nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ các khuyến cáo trước khi tham gia giải.
“Thể dục thể thao, nhất là các giải phong trào sẽ mang lại năng lượng tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên có những rủi ro nhất định cho người tham gia và có thể ảnh hưởng đến sự bền vững, uy tín của giải chạy.
Tổ chức phong trào nhưng phải an toàn cho người tập luyện, thi đấu, bằng công tác giám sát, kiểm soát cung đường thi đấu cho mỗi cá nhân”, bác sĩ Huy Đổng nhấn mạnh.