Nguồn cung thiếu hụt gây khó cho nhu cầu sở hữu nhà
25 – 35 tuổi được coi là “thập kỷ vàng” bởi lẽ đây là giai đoạn có việc làm ổn định, thu nhập dần tăng trưởng và bắt đầu xây dựng gia đình. Vì thế nhiều chuyên gia nhận định, đây cũng là giai đoạn vàng để những người trong độ tuổi này có thể sở hữu nhà ở. Tuy nhiên các vấn đề về kinh tế cũng như thị trường nhà ở hiện đối mặt với nhiều thách thức, khiến ước mơ sở hữu nhà của nhóm này lại trở nên xa vời.
Nguyên nhân đầu tiên đó là chi phí sinh hoạt tại đô thị lớn như TP.HCM đang ngày một tăng, luôn nằm trong top những địa phương có chi phí sống đắt đỏ nhất. Cụ thể, theo số liệu này được ghi nhận trong báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của Tổng cục Thống kê, năm 2015, chỉ số SCOLI của TP.HCM đạt 97,39%, đứng ở vị trí thứ 6, đây cũng là năm TP. HCM có xếp hạng thấp nhất. Nhưng đến Năm 2021, TP.HCM đã giữ vị trí thứ 3 với chỉ số SCOLI đạt 98,98% và duy trì vị trí này trong năm 2022 với chỉ số SCOLI đạt 96,2%.
Trong khi đó, TP.HCM là điểm đến của số lượng lớn người thuộc nhóm lao động có trình độ, trong độ tuổi lao động sung mãn từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, với dân số hơn 10 triệu người với 55% dân số trong độ tuổi trẻ, có khoảng 30% dân số trong độ tuổi này có nhu cầu mua nhà.
Tuy nhiên với đích nhắm là các căn hộ nhỏ trên dưới 50m2 với mức giá từ 2-3 tỷ đồng, đây lại là phân khúc đang vô cùng khan hiếm nguồn cung, chiếm dưới 20% thị phần hiện tại, thậm chí còn thấp hơn.
Dữ liệu nghiên cứu thị trường của Savills cho thấy, với phân khúc nhà ở bình dân (hạng C) ở TP.HCM, việc bán hàng vẫn diễn ra nhưng không đồng đều, khiến nhiều người có nhu cầu mua ở thực nhưng thu nhập chưa cao không có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, vấn đề giải quyết pháp lý, gỡ vướng thủ tục các dự án vẫn còn chậm, càng khiến số sản phẩm ra thị trường ít.
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, đến tháng 6, giá bán trung bình của một căn hộ chung cư thuộc phân khúc trung cấp (hạng B) tại TP.HCM, diện tích 70 m2 và có 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, khoảng 4-4,5 tỷ đồng. Mức giá nhà trung cấp này cao gấp 16-17 lần thu nhập bình quân hộ gia đình tại đô thị này.
Do đó, các yếu tố như chi phí sinh hoạt ngày một tăng, nhu cầu mua nhà phân khúc bình dân lớn, nguồn cung căn hộ giá bình dân khan hiếm đã tạo ra một rào cản, khiến nhiều người dù đang trong “thập kỉ vàng” cũng khó sở hữu được nhà ở.
Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Đây là ngưỡng thu nhập cần thiết để tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng. Song do các yếu tố đã kể trên khiến sự tích lũy của người trong độ tuổi 25-35 vẫn không theo kịp sự tăng giá của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Khi phần lớn các dự án căn hộ được phát triển đều ở phân khúc trung và cao cấp. Nếu muốn sở hữu nhà, chỉ có thể lựa chọn các dự án tại khu vực nằm ở rìa vùng ven, thậm chí là tại các tỉnh lân cận TP.HCM.
Lựa chọn thuê nhà lâu dài tại khu vực trung tâm
Vì lý do không muốn mua nhà quá xa trung tâm thành phố, nhưng lại lo lắng về gánh nặng tài chính khi tiếp cận các căn hộ trung cấp, nhiều người đang lựa chọn thuê các căn hộ dịch vụ, nhà trọ để ở. Thậm chí, một số người còn có quan điểm sẽ lựa chọn thuê ở lâu dài thay vì tích cóp mua nhà trong tương lai.
Theo Nguyễn Hà Khanh (29 tuổi), một nhân viên ngân hàng tại khu vực quận 3 cho biết, mặc dù đã vào TP.HCM làm việc được 4 năm nhưng cô không có ý định tích cóp mua nhà. Với mức thu nhập của gia đình lên tới 60 triệu đồng, việc tiết kiệm để mua một căn hộ tại vùng ven thành phố với Khanh không phải là một bài toán khó. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu giá nhà tại TP.HCM, việc mua nhà lại không phải là lựa chọn của vợ chồng cô vì nhiều lý do.
“Thực ra việc chọn thuê nhà thay vì mua không có gì mới lạ. Đây cũng là lựa chọn của nhiều đồng nghiệp đang làm cùng công ty. Thuê nhà tại trung tâm cũng có nhiều ưu điểm như tiết kiệm được thời gian di chuyển, có thể tận hưởng tiện ích trong khu trung tâm, bớt được rủi ro khi phải di chuyển trên quãng đường dài nêu mua nhà. Số tiền lẽ ra phải tiết kiệm để dành mua nhà đó chúng tôi sẽ chia ra và đầu tư tích lũy qua các kênh chứng khoán, vàng và gửi tiết kiệm”, Khanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người trong “thập kỷ vàng” dù có thu nhập khá cao nhưng không mua nhà mà ở thuê tại khu vực trung tâm, ngoài các lý do nói trên thì lối sống cá nhân hóa khiến nhiều người không muốn vướng bận vào các khoản nợ hay áp lực mua nhà. Thay vào đó, họ có thể tận hưởng các nhu cầu sống cao hơn bằng thu nhập hiện có thay vì phải cố gắng mua nhà bằng mọi giá.
Tại các nước phát triển, lối sống này cũng không hề xa lạ khi người dân phần nhiều đều đi ở thuê. Họ chỉ mua nhà khi có mức thu nhập đủ cao, trong đó có nhiều thu nhập thụ động và đạt tới khả năng tự do tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ riêng tại TP.HCM mà tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó. Phần lớn người trẻ sẽ lựa chọn thuê căn hộ, cho tới khi các tiện ích, giao thông tại khu vực vùng ven được đồng bộ.
Vì vậy để giải quyết bài toán nhà ở này, vấn đề trước mắt cần khắc phục đó chính là nguồn cung của thị trường. Bên cạnh việc tự thay đổi của các công ty bất động sản nhằm đáp ứng được nhu cầu ở thực của thị trường, vẫn cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý giúp tăng nguồn cung nhà ở với mức giá vừa túi tiền. Các khó khăn về việc địa điểm dự án nằm ở khu ngoại ô sẽ được giải quyết bằng giao thông thuận tiện. Trong khi giá nhà quá cao được điều chỉnh bằng diện tích vừa phải.
Cũng theo các chuyên gia của Cushman & Wakefiel cũng cho rằng, phân khúc căn hộ bình dân với giá thấp khoảng 2 – 3 tỷ đồng tại TP.HCM là giải pháp an cư cho người trẻ đang sống và làm việc tại đô thị. Vì thế, cần sự thúc đẩy các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến phân khúc này nhiều hơn.