SGGPO
Nọc độc của ong gây hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, nên khi bị ong đốt, người bệnh cần được điều trị sớm ở tuyến y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng phải được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời.
Bệnh viện Bạch Mai vừa có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do ong đốt, khi gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị ong đốt phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong số các bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện có trường hợp nữ bệnh nhân L.T.H. (90 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định) được đưa vào cấp cứu đêm 2-9 trong tình trạng tổn thương cơ, tổn thương gan, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, suy thận, suy tim. Nữ bệnh nhân cao tuổi này đang được điều trị tích cực, lọc máu, giải độc và sức khỏe đang dần hồi phục.
Một trường hợp bị ong đốt nguy hiểm tới tính mạng đang được điều trị tích cực |
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.N. (61 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) khi đang đi bộ ở sân thì bị một bầy ong khoái tấn công và bị đốt gần 300 nốt. Bệnh nhân N.T.N. được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng nhiễm độc, hồng cầu bị vỡ, mắt bị tổn thương. Do được đưa đến bệnh viện sớm và điều trị tích cực (thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy…) nên sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân N.T.N. đã qua giai đoạn nguy kịch và đang dần hồi phục.
BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, tại nước ta, nhất là ở phía Bắc, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện tăng mạnh vào mùa thu với nhiều loại ong có chứa độc tố như: ong vò vẽ, ong khoái, ong bắp cày. Nọc độc của ong gây hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, nên khi bị ong đốt, người bệnh cần điều trị sớm, tích cực ngay tại y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng cần được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời. Cần lưu ý, sau khi bị ong đốt, người dân nên uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, chất muối, oresol và khẩn trương tới y tế cơ sở.
“Việc bù muối, bù nước cho nạn nhân ngay sau khi bị ong đốt rất quan trọng. Điều trị tích cực ngay tại tuyến dưới bằng cách truyền đủ dịch và cho bài niệu tích cực là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân, hạn chế khỏi các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng”, BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.