Quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số kéo theo sự hình thành và phát triển của một số ngành công nghiệp số mới với quy mô dự báo lên đến hàng tỷ USD.
Các chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. (Nguồn: Wiki) |
Động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế
Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình bất ổn của thế giới, kinh tế số đã trở thành “chìa khóa” hồi phục kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững, không chỉ giúp nhiều nền kinh tế kháng cự tốt với khủng hoảng, dịch bệnh, mà còn mở ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Tại Việt Nam, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 8,2% GDP. Sau khi phân tích dư địa cho đột phá, Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Tính đến nửa đầu năm 2023, tức là giữa nhiệm kỳ, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của nước ta đã đạt 15%. Kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, đạt 20 – 25%/năm, gấp 3 – 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia và trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2024, nhanh hơn một năm so với mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra”. Theo Bộ trưởng, kinh tế số là động lực tăng trưởng trong dài hạn, trung hạn và chính là yếu tố động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Những ngành kinh tế số tỷ USD
Các chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số khiến nhu cầu sử dụng data, lưu trữ và xử lý dữ liệu tăng cao.
Điện toán đám mây là thành phần chính của hạ tầng số, với tốc độ tăng trưởng 20 – 25%/năm. Cứ mỗi 3 năm, dữ liệu lại tăng gấp đôi. Theo đó, dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn nhất. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như FPT, VNPT, Viettel, CMC… Theo tính toán, nếu toàn bộ doanh nghiệp trong nước chuyển sang dùng dịch vụ điện toán đám mây, thì thị trường này sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2025.
Lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh và có thể mang lại hàng chục, hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế số Việt Nam là dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm. Năm 2022, hơn 80.000 kỹ sư của hàng trăm doanh nghiệp đã mang về 2,8 tỷ USD từ xuất khẩu. Nhưng, con số này mới chỉ thể hiện một phần năng lực của ngành, bởi Việt Nam hiện có khoảng 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường thế giới còn rất rộng lớn với giá trị ước tính khoảng 1.800 tỷ USD. Trong đó, có gần 530 tỷ USD là thị phần cứng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, 220 tỷ USD là “miếng bánh” cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ lớn và hơn 1.000 tỷ USD còn lại là “sân chơi” đủ để doanh nghiệp Việt thỏa sức “vẫy vùng”.
“Dự báo, chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 và 2024 tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 12,3% và 13,1%. Đó là cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Một lĩnh vực cũng sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế nếu được đầu tư, “nuôi dưỡng” và hỗ trợ, đó là ngành công nghiệp game. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành game Việt lên tới gần 700 triệu USD (trong năm 2022), còn Google thì thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 430.000 nhà phát triển game và 70% trong số này đều nhắm đến thị trường game di động toàn cầu.
“Chúng ta sản xuất game, nhưng không bán trong nước, mà bán ở nước ngoài, bán trên store, sau đó thu tiền nước ngoài. Có khoảng 50% game di động phổ biến trên thế giới hiện nay có xuất xứ từ Việt Nam. Game là ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế phát triển và thu hút được ngoại tệ của nước ngoài”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh số doanh nghiệp game hoạt động, từ 30 doanh nghiệp lên khoảng 100 -150 doanh nghiệp và kêu gọi khoảng 400 start-up sản xuất game tham gia cộng đồng.
Nhắc đến kinh tế số, không thể không đề cập lĩnh vực thương mại điện tử. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2023, ước tính tổng doanh thu thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam sẽ cán mốc 20,5 tỷ USD, tăng trưởng 25%. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google dự báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, trong kinh tế số, nhiều ngành cũng đang bắt đầu phát triển mạnh mẽ như sáng tạo nội dung. Ngoài ra, quảng cáo số, sản xuất chíp, thiết bị IoT (Internet vạn vật), công nghiệp AI (trí tuệ nhân tạo), an ninh mạng… đều là những lĩnh vực có thể mang lại hàng tỷ USD trong tương lai gần cho Việt Nam.