“Bùng nổ” sầu riêng Việt tại Trung Quốc
Báo South China Morning Post (Hồng Kông) mới có bài phản ánh về sự “bùng nổ” của sản phẩm sầu riêng VN tại thị trường Trung Quốc. Theo đó, doanh nhân Bob Wang, lãnh đạo Công ty TWT Supply China, một người có 8 năm nhập khẩu sầu riêng, cho biết: “Nếu mọi việc thuận lợi, tôi sẽ nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng VN trong năm nay để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Con số này gấp ba lần lượng nhập khẩu của tôi từ Thái Lan. Năm trước Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 820.000 tấn sầu riêng. Tôi tự tin tổng sản lượng sầu riêng nhập khẩu năm nay sẽ vượt 900.000 tấn. Tôi vẫn đang đặt lượng hàng sầu riêng nhiều nhất có thể”.
Theo South China Morning Post, sầu riêng từ Thái Lan đã thống trị thị trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Hiện nay, Trung Quốc đang mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm tương tự từ VN, Malaysia và Philippines. Cũng như nhận định của các thương nhân VN, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cho rằng lợi thế lớn của sầu riêng VN là chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thời gian vận chuyển từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ ngắn, chỉ mất từ 1 – 3 ngày. Để thuận lợi cho việc nhập khẩu sầu riêng từ VN, chính quyền địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây đã xây dựng trung tâm dịch vụ logistics nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nhập khẩu.
Trong nước, không như lo lắng ban đầu của nhiều người rằng xuất khẩu sầu riêng sẽ gặp khó khi Thái Lan vào vụ thu hoạch, thực tế hoàn toàn ngược lại khi báo cáo mới đây của Bộ Công thương cho biết, giai đoạn cuối tháng 5, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), lượng xe ùn ứ có khi lên đến hơn 700 xe, đa phần là sản phẩm sầu riêng. Bộ Công thương đã phối hợp với phía Trung Quốc để giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ. Hiện lượng xe chở hàng hóa nông sản từ các tỉnh phía nam đưa qua Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ về các khu vực cửa khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc với sản phẩm sầu riêng và nông sản VN nói chung vẫn rất lớn. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp và nông dân tăng thu nhập.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và đại diện Hiệp hội Rau quả VN đều có chung nhận định: xuất khẩu sầu riêng vẫn đang rất thuận lợi dù Thái Lan đang vào vụ thu hoạch, giá cả dao động trong khoảng 55.000 – 70.000 đồng/kg là mức mà các bên từ người nông dân đến doanh nghiệp đều có lãi. Mức giá này cũng đủ để sản phẩm VN có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường. “Bên cạnh đó, phía hải quan Trung Quốc mới cấp thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho sầu riêng VN. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi cho sầu riêng VN tăng sự hiện diện tại Trung Quốc. Với đà tăng trưởng như hiện tại và các điều kiện thuận lợi đang được mở rộng, sầu riêng VN hoàn toàn có khả năng cán đích 1 tỉ USD ngay trong năm đầu tiên Trung Quốc mở cửa thị trường sầu riêng chính ngạch”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, lạc quan.
Ngành dừa cũng sắp bước vào CLB tỉ USD
Trái dừa tươi tuy chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nhưng vẫn đang được các cơ quan chức năng hai nước tích cực đàm phán. Dù vậy, quả dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chuỗi giá trị dừa cũng đang ngấp nghé nguồn thu gần 1 tỉ USD từ xuất khẩu. Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, cho biết: “Ngành này chia thành 2 phân khúc rõ rệt là dừa tươi uống nước hay còn gọi là “dừa du lịch”, và dừa khô nguyên liệu hay còn gọi là dừa chế biến. Ở phân khúc dừa du lịch, những năm gần đây sản lượng gia tăng nhanh chóng nhờ có nhiều giống dừa mới, năng suất cao. Dừa này doanh nghiệp gọt vỏ, tạo hình viên kim cương hoặc gọt hết xơ (dừa trọc) để xuất khẩu, tại thị trường nội địa thì chở nguyên trái đến các thành phố lớn để bán. Còn đối với phân khúc dừa khô, nhu cầu thế giới đang rất cao, đặc biệt là các sản phẩm chế biến đóng hộp dùng cho nguyên liệu làm bánh, chế biến thức ăn…”.
Thực tế những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng với các sản phẩm chế biến từ dừa và đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Cụ thể như Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex, thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công) sở hữu nhà máy sản xuất, chế biến nước dừa đóng hộp lớn nhất VN. Có đến 90% sản lượng của nhà máy là xuất khẩu, sản phẩm được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá cao về chất lượng.
Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), mấy năm gần đây GC Food đang vươn lên là một trong những nhà chế biến thạch dừa lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công ty sở hữu nhà máy chế biến thạch dừa Vinacoco, đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024 – 2025, chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Ông Thứ nhận định: với xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thuần tự nhiên, tốt cho sức khỏe hiện nay thì dừa là một sản phẩm tuyệt vời, đáp ứng được các tiêu chuẩn trên nhờ nguồn gốc tự nhiên, ít có nguy cơ nhiễm hóa chất gây hại nên có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Thống kê của Bộ Công thương cho biết, diện tích dừa cả nước khoảng 188.000 ha, sản lượng 1,9 triệu tấn trong năm 2022, mang về doanh thu xuất khẩu hơn 900 triệu USD gồm dừa và các sản phẩm liên quan. Với dư địa còn rất lớn, ngành dừa hoàn toàn có khả năng gia nhập CLB xuất khẩu 1 tỉ USD trong tương lai gần. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, cái khó của ngành dừa hiện nay là sản phẩm dừa tươi vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Hiện nay các cơ quan chức năng VN đang tích cực đàm phán, nếu được xuất khẩu chính ngạch sản phẩm dừa tươi sẽ gia tăng kim ngạch cho cả ngành dừa và rau quả nói chung.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục bứt phá
Theo Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả của VN trong tháng 5 ước đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến tháng 4, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của VN với 58,7% thị phần, đạt giá trị 805 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh nhất 4 tháng đầu năm là Hà Lan, tăng hơn 72% so cùng kỳ.
Cả nước có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu với 25 loại sản phẩm như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng… tập trung ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… Sầu riêng, mặt hàng mới được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, VN hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số. Trong quý 3 – 4/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ…