Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) được xem là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Trong nhiều nội dung mới quan trọng được cử tri và nhân dân quan tâm, nổi bật có quy định thêm 10 năm các trường hợp gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023 đã chia các nhóm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất không có giấy tờ gồm: hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.
Các nhóm trên đều phải được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất sai thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và tùy vào từng nhóm sẽ có những quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân theo quy định.
Đặc biệt, Luật Đất đai cũng quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng; quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất, trình tự, thủ tục thu hồi đất… bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai đã cụ thể hóa nguyên tắc “Có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư.
Đối với các quy định về tài chính đất đai, giá đất, Luật Đất đai đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Luật cũng phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện; quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất, quy định điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất; giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong bảng giá đất. Luật cũng quy định mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể bảo đảm tính độc lập, khách quan trong quá trình định giá.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, trong đó xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành và nâng cao nhận thức về Luật Đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thi hành luật; xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật.
Trao đổi với các phóng viên về việc triển khai, đưa pháp luật vào cuộc sống, vấn đề lớn được xác định là tổ chức xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; theo đó, quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Qua rà soát những điểm, những điều trong luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết, dự kiến có 9 nghị định.
Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân ban hành. Bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, vấn đề quan trọng khác là xác định rõ việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm cả những luật có liên quan đất đai để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Chung quanh quá trình chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành luật, phối hợp các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng chịu tác động của luật và nhân dân được biết. Từ đó, quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai. Đối với các địa phương, cần sớm tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác…