Khu Quản lý đường bộ II phát hiện trên tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu có 8 biển báo có dòng chữ ‘đường Sơn Hải bảo hành 10 năm’ và có nhiều văn bản chỉ đạo nhà thầu tháo gỡ nhưng đến tháng 10 Tập đoàn Sơn Hải không thực hiện.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc nhà thầu thi công (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) phản ánh một số biển báo giao thông của doanh nghiệp trên tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu bị xóa dòng chữ “đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm”. Việc làm này gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp.
Trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải cho biết chưa nhận được văn bản hay thông báo nào của Khu quản lý đường bộ II hoặc Ban quản lý dự án 6 về việc sẽ cho tháo dỡ dòng chữ cam kết bảo hành trên các biển báo. Đồng thời khẳng định biển báo là tài sản của tập đoàn, không nằm trong hạng mục được thanh toán trong dự án.
Trao đổi với báo chí, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu là dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, được thực hiện theo hình thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư.
Dự án được đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023, Ban QLDA 6 bàn giao tài sản cho Khu quản lý đường bộ II ngày 20/6. Tuy nhiên, do vẫn cần hoàn tất một số thủ tục nên Ban QLDA 6 tiếp tục quản lý đến ngày 20/8. Kể từ ngày 20/8, Khu quản lý đường bộ II đã chính thức trực tiếp quản lý, vận hành khai thác cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ”.
Bên cạnh đó, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ bản vẽ thi công của dự án được phê duyệt không có nội dung ghi thời gian bảo hành công trình, hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình trên biển báo.
“Vì vậy, việc gắn chữ dòng chữ “đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên biển báo hiệu đường bộ của dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu là chưa phù hợp theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Quy chuẩn báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT và hồ sơ thiết kế dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Thời gian qua, Khu Quản lý đường bộ II đã phối hợp với Ban QLDA 6 (chủ đầu tư) và các bên liên quan rà soát hệ thống báo hiệu trên tuyến đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu và đã phát hiện trên tuyến có 8 biển báo có nội dung không phù hợp và đã đề nghị Ban QLDA 6, nhà thầu khắc phục. Sau đó, Khu quản lý đường bộ II đã có nhiều văn bản yêu cầu Ban QLDA 6 chỉ đạo nhà thầu tháo dỡ các nội dung không phù hợp trên biển báo. Tuy nhiên, đến tháng 10/2024, nhà thầu không khắc phục, tháo dỡ.
Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, đường cao tốc được xây dựng, vận hành, khai thác với yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn. Hệ thống biển báo hiệu là bộ phận quan trọng của công trình đường cao tốc với yêu cầu thông tin trên biển báo phải rõ ràng, dễ nhận biết, tránh gây hiểu lầm, gây mất tập trung cho người điều khiển phương tiện.
“Vì vậy, để phát huy hiệu quả đầu tư và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên cao tốc, việc Khu quản lý đường bộ II đã yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục những tồn tại của biển báo hiệu nêu trên là cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Ngay sau khi Cục Đường bộ đưa ra kết luận này, lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ ngắn gọn trên Fanpage của công ty với nội dung: “Ngày 29/10, khi chúng tôi phát hiện xe cẩu và một nhóm người xóa bỏ dòng chữ bảo hành 10 năm. Qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết Khu Quản lý đường bộ II chỉ đạo xóa bỏ.
Nay chúng tôi đang làm việc với Khu Quản lý đường bộ II để có giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật nhưng cũng phải có thông tin cam kết bảo hành 10 năm để người tham gia giao thông giám sát”.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhieu-lan-yeu-cau-vi-sao-bien-bao-duong-son-hai-bao-hanh-10-nam-chua-thao-go-2339386.html