Tiết mục múa đôi “Ðất nước tình yêu”, đoạt giải B của đơn vị huyện U Minh. Ảnh: VĂN ÐỜI
– Xin kính chào NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng! Là một nghệ sĩ – Biên đạo múa thuộc hàng “cây đa cây đề”, chắc hẳn bà có rất nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên tại mảnh đất cuối trời diễn ra một cuộc Liên hoan Múa không chuyên khá quy mô như thế?
NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng: Khi nhận được lời mời của Trung tâm Văn hoá tỉnh tham gia Liên hoan với vai trò giám khảo, tôi vừa lo vừa mừng. Tôi lo lắng về chất lượng của Liên hoan, bởi rất nhiều năm rồi Cà Mau chưa có hội diễn, liên hoan nào thiên về múa. Qua rất nhiều lần tham gia chấm thi các cuộc hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng, tôi thấy lực lượng múa tỉnh nhà còn khá nghèo nàn, phần lớn các em, các cháu chưa được học lớp múa cơ bản nào. Tôi mừng khi thấy được sự quan tâm của lãnh đạo, của ngành văn hoá đối với nghệ thuật múa.
Hai ngày diễn ra Liên hoan, tôi để ý thấy tất cả diễn viên tham gia rất hào hứng, thể hiện tình yêu với nghệ thuật múa bằng những tiết mục biểu diễn chỉn chu, bằng sự tự tin trên sân khấu. Chính mạch hào hứng, ngọn lửa đam mê này đã tạo nên không khí liên hoan hết sức sôi nổi.
– Bà đánh giá như thế nào về chất lượng cuộc Liên hoan Múa không chuyên tỉnh Cà Mau lần 1 năm 2023 này?
NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng: Ðiểm nổi trội nhất của Liên hoan là sự nhiệt tình và tự phát. Chính vì không chuyên nên phần lớn các diễn viên đều chưa được học hành cơ bản, chưa biết bố cục, nhưng mang đến sự tự phát hết sức dễ thương. Mỗi người đều cố gắng tập luyện, nghe giai điệu sau đó nỗ lực hết mình trong sáng tạo. Tôi cho rằng chính những sự nhiệt tình và tự phát này sẽ là nền tảng đẹp để trong tương lai, nếu có điều kiện tham gia những lớp đào tạo thì rất tuyệt vời.
Liên hoan có những tiết mục rất nổi trội, tạo được ấn tượng đẹp với công chúng như: Múa đôi “Duyên quê” của đơn vị Cái Nước, “Mẹ tôi” của đơn vị huyện Phú Tân, “Ðược mùa” của đơn vị TP Cà Mau, “Ðất nước tình yêu” của huyện U Minh, hay tiết mục múa Rô băm “Viên ngọc thần” của Nhóm múa Thịnh My. 21 tiết mục tham gia Liên hoan của 9 đơn vị đều được trao các giải A, B, C, điều này như sự động viên, quan tâm, góp phần giúp nghệ thuật múa tỉnh nhà phát triển.
– Ðể có một tác phẩm múa thành công, đòi hỏi phải hội tụ những yếu tố gì, thưa bà?
NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng: Ðể có một tác phẩm múa hay, đầu tiên phải có ý tưởng hay, xây dựng được kịch bản hay và chăm chút từng phân đoạn, chi tiết của kịch bản. Thứ hai là phải đủ khéo léo, thông minh trong cách chọn và dùng âm nhạc, mời âm nhạc kết hợp với mình, bởi âm nhạc là linh hồn của tác phẩm múa; tiếp đến là đạo cụ, phục trang, chọn cho chính xác, đưa cho đúng chỗ. Khi tất cả những yếu tố đó phối hợp quyện hoà sẽ làm nên một tiết mục múa thành công.
– Qua Liên hoan, chúng ta đã phát hiện nhiều nhân tố mới, hội tụ nhiều yếu tố về sắc vóc, năng khiếu, đam mê. Trong số đó có không ít thí sinh đã từng bước xem múa như nghề của mình. Bà có lời dặn dò nào dành cho những thế hệ đi sau khi chọn dấn thân với nghệ thuật múa?
NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng: Tôi muốn nói rằng: Khi đã xác định gắn bó với nghệ thuật múa phải có niềm đam mê đủ lớn. Múa rất khó so với các loại hình nghệ thuật khác, ngôn ngữ múa là ngôn ngữ hình thể, dùng động tác để nói lên tâm tư tình cảm, thông điệp muốn gửi gắm. Người nghệ sĩ múa muốn gặt hái được những quả ngọt phải trải qua hành trình học tập, kỳ công khổ luyện rất dài.
– Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp múa, nhìn lại, chắc chắn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Bà có thể chia sẻ những kỷ niệm ấy đến công chúng?
NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng: Tôi rất vinh dự được lĩnh hội nhiều kiến thức nghệ thuật múa từ thầy – cố NSND Thái Ly. Tất cả những thầy cô ngày ấy đều nhắc chúng tôi về chữ “kiên nhẫn”, “chịu khó”.
Khoảng trời nghệ thuật của tuổi trẻ tôi gắn với chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Ðông, cùng anh em Ðoàn Văn công giải phóng phục vụ bộ đội, phục vụ quần chúng Nhân dân. Ðó là khoảng trời vô cùng quý giá. Sau ngày giải phóng trở về Cà Mau, lại tiếp tục hoạt động nghệ thuật suốt chặng đường dài. Những tác phẩm múa do tôi biên đạo được công chúng biết đến như: “Kịch múa Ðặng Thuỳ Trâm”, “Cánh đồng vàng”, “Hương đất rừng tràm”… Những học trò do tôi truyền dạy, nhiều người đã trưởng thành trong nghề biên đạo như: Ngọc Bích, Hoàng Vũ, Chí Thiệp… Những trang đời đã qua: bao gian khó, lúc vui buồn, cái làm được, điều chưa được… tất cả đều là kỷ niệm rất đẹp của đời nghệ sĩ.
– Liên hoan Múa không chuyên tỉnh Cà Mau đã khép lại với nhiều ấn tượng đẹp. Theo NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng, điều gì khiến bà cảm thấy hài lòng nhất?
NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng: Ðiều tôi hài lòng nhất sau Liên hoan là sự quan tâm của lãnh đạo ngành văn hoá, trung tâm văn hoá. Thời gian qua, có một số bạn trẻ học đại học ngành Biên đạo múa về, hiếm hoi lắm trong các cuộc văn nghệ quần chúng mới dựng được tác phẩm múa chính thống, vì kinh phí hạn hẹp. Bây giờ, Trung tâm Văn hoá tỉnh quan tâm đến nghệ thuật múa và tổ chức Liên hoan như thế khiến tôi cũng như những nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực này rất mừng. Hy vọng Liên hoan sẽ được tổ chức đều đặn, năm sau, rồi năm sau nữa, để xoá nhoà dần chữ “không chuyên” khi nhắc về phong trào múa tỉnh nhà.
– Chân thành cảm ơn những chia sẻ của NSƯT Vũ Thị Thanh Hồng. Xin kính chúc bà luôn vui khoẻ để tiếp tục theo dõi và dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ đi sau, đặc biệt là đối với lĩnh vực nghệ thuật múa của tỉnh nhà!
Minh Hoàng Phúc thực hiện