Thủ tướng Chính phủ bày tỏ kỳ vọng về “5 cái hơn” khi quan hệ song phương Việt Nam – Australia được nâng cấp: Tin cậy chính trị tốt hơn; hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư cao hơn; hợp tác khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn; hợp tác giáo dục – đào tạo và giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sâu sắc hơn; hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia |
Thương mại song phương có những bước phát triển vượt bậc
Ngày 5/3, trong chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia. Diễn đàn được tổ chức tại Đại học RMIT, thành phố Melbourne, bang Victoria, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia phối hợp với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.
Đáng chú ý, trong nội dung phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm lần này của ông tới Australia, hai bên dự kiến sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương, qua đó đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Thủ tướng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng về “5 cái hơn” khi quan hệ song phương được nâng cấp: Tin cậy chính trị tốt hơn; hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư cao hơn; hợp tác khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn; hợp tác giáo dục – đào tạo và giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sâu sắc hơn; hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập năm 2018, Chính phủ hai nước năm 2021 đã công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia (EEES) làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của hai nước trong giai đoạn 2021-2025.
EEES được kỳ vọng sẽ là động lực mới để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế rất lớn giữa hai nước, với mục tiêu trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Australia và Việt Nam, EEES đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể, bao gồm thúc đẩy môi trường kinh doanh – đầu tư, xúc tiến thương mại và đầu tư tự do, cởi mở. EEES cũng đưa ra các sáng kiến trong 8 lĩnh vực trọng yếu mà hai nước cần tập trung hợp tác là giáo dục, tài nguyên – năng lượng, nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất, du lịch, khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo, kinh tế số và các ngành dịch vụ.
Theo TS. Ngô Công Thành – Ủy viên ban BCH lâm thời Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), thương mại song phương Việt Nam – Australia đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 12,4 tỷ USD đã đưa Australia lên đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 12 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Australia. Năm 2023, thương mại song phương đạt khoảng 14 tỷ USD, thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
“Như vậy, có nhiều cơ sở đảm bảo cho mục tiêu Việt Nam chiếm lĩnh một trong tốp 10 đối tác thương mại hàng đầu của Australia cũng như Australia giữ vững vị trí trong tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Vấn đề cần giải quyết là phải tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia một cách ổn định và bền vững”, TS. Ngô Công Thành nhận định.
Để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới của hai nước đã được nêu rõ trong Chiến lược EEES, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp bao gồm: Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo về các FTA cho doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và tận dụng các cơ hội tạo ra từ các FTA trong quan hệ thương mại Việt Nam – Australia; Phát triển các dịch vụ về tư vấn pháp lý và tư vấn kỹ thuật chuyên sâu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quản lý, cải tiến cơ cấu sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nỗ lực nâng gấp đôi đầu tư hai chiều
Tuy nhiên về đầu tư, TS. Ngô Công Thành nhận định mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều (từ trên 2,5 tỷ USD hiện nay lên 5 tỷ USD) không dễ đạt được trong giai đoạn đặt ra và đòi hỏi nỗ lực của cả hai Chính phủ và các doanh nghiệp hai bên.
Trong đó về phía Việt Nam, chuyên gia này khuyến nghị trước mắt, cần thực hiện một số giải pháp. Theo đó, cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và phổ biến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tới các doanh nghiệp Australia. Thông qua quan hệ giữa lãnh đạo hai nước để tiếp cận các tập đoàn lớn của Australia và xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đầu tư, đặc biệt là các thủ tục về đất đai, thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng. Nhằm hỗ trợ cho việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần xem xét thành lập sớm Khu công nghiệp Việt Nam – Australia để sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ các dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam; Chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam.
Ở chiều đầu tư ra, Chính phủ cần ban hành danh mục ngành nghề khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Australia được nhà nước hỗ trợ tín dụng và cân đối ngoại tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Australia. Gắn với đó, thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ đầu tư song phương để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư của hai nước.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2024, các doanh nghiệp Australia đã đầu tư vào Việt Nam 631 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,037 tỷ USD (xếp thứ 20/145 quốc gia và vũng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam).
Đầu tư của doanh nghiệp Australia tập trung vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nông – lâm nghiệp và thủy sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo; hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ, sữa chữa ô tô, mô tô…
Trong đó, dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 133 dự án, có tổng vốn đăng ký 954,68 triệu USD; dịch vụ lưu trú và ăn uống đứng thứ 2 với 31 dự án, có tổng vốn đăng ký 154,32 triệu USD; lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ 3 với 25 dự án, có tổng vốn đăng ký 120,04 triệu USD.
Về địa bàn, các nhà đầu tư FDI Australia đã đầu tư vào 45 tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Bà Rịa – Vũng Tàu với 16 dự án (tổng vốn đăng ký 392,21 triệu USD); TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với 309 dự án (tổng vốn đăng ký 231,12 triệu USD); và Hà Nội đứng thứ 3 với 123 dự án, có tổng vốn đăng ký 209,63 triệu USD.
Chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Australia hơn 90 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD.