Bắc Kạn: Mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản đặc trưng Bắc Kạn: Nâng tầm giá trị thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu |
Ông Nguyễn Tiến Cương- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, những năm qua, địa phương chủ yếu triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ sản xuất các sản phẩm tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc biệt là chế biến nông- lâm sản. Thông qua các chương trình, đề án này đã góp phần khuyến khích hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.
“Có thể nói rằng, nguồn kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò vốn mồi giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, xây dựng thương hiệu ở địa phương”, ông Cương nhấn mạnh.
Bắc Kạn còn nhiều khó khăn trong triển khai công tác khuyến công. Ảnh: Đông Sơn |
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, triển khai công tác khuyến công Bắc Kạn đang gặp nhiều trở ngại.
Ông Cương chỉ rõ, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, hạn chế cả về nguồn vốn và năng lực quản trị đã ảnh hưởng đến tính khả thi của đề án khuyến công triển khai trong thực tế. Thậm chí, số lượng cơ sở đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định của chương trình khuyến công thấp, dẫn đến việc tìm kiếm đơn vị thụ hưởng chính sách cũng không dễ dàng, chưa kể tới việc phải thay đổi kế hoạch triển khai, đối tượng thụ hưởng, dừng đề án do các cơ sở không đáp ứng được theo hợp đồng.
Cũng chính bởi hạn chế về năng lực, một số cơ sở chưa quan tâm thực hiện quy định pháp luật về đất đai, môi trường, gây khó khăn trong nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ còn thấp và tiêu chuẩn được thụ hưởng cao hơn so với chương trình khác như các chương trình mục tiêu quốc gia, do vậy nhiều cở sở không mặn mà với chương trình khuyến công.
Về giải pháp khắc phục những khó khăn trên, ông Cương nhấn mạnh, Bắc Kạn đã vận dụng linh hoạt các quy định, nỗ lực cùng cơ sở công nghiệp nông thôn tìm được tiếng nói chung và thuận lợi triển khai các đề án.
Theo đó, địa phương đã đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về chính sách khuyến công, các kế hoạch định hướng phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của tỉnh để cơ sở hiểu, tham gia và tận dụng chính sách.
Bám sát cơ sở thụ hưởng, tăng cường kiểm tra đánh giá việc tổ chức triển khai nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thành đúng nội dung, tiến độ, hiệu quả đề án. “Như đã nói, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động ngành nghề hạn chế nên khi đi vào hoạt động rất yếu, nếu không có sự hỗ trợ sát sao sẽ rất khó được thụ hưởng chính sách khuyến công”, ông Cương một lần nữa cho hay.
Địa phương cũng chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tuyên truyền tới các cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý, quan tâm tới hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Tập trung xây dựng đề án khuyến công nhóm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh, đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi về đầu tư tín dụng, đặc biệt là về khoa học và công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Dù vậy, để thực sự thuận lợi trong triển khai và đạt hiệu quả tốt công tác khuyến công, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn đề nghị: Các đơn vị liên quan cụ thể hoá nội dung đấu thầu, đấu giá và thẩm định giá hỗ trợ máy móc thiết bị, phù hợp với Luật Đấu thầu. “Thời gian qua, Sở Công Thương đã nhận được nhắc nhở về việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các dự án. Thực tế hiện nay, chúng tôi rất khó hỗ trợ kinh phí cho nội dung này bởi việc thẩm định giá chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Cương nói.
Khoản 4, điều 4 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công quy định, kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương do ngân sách cấp chưa sử dụng hết trong năm không được chuyển sang năm sau. Đề nghị, điều chỉnh quy định này theo hướng có thể chuyển nguồn kinh phí sang năm sau để thuận cho cơ sở trong quá trình triển khai đề án.
Bên cạnh đó, qua thực hiện cho thấy, việc hỗ trợ cho các đề án rất manh mún, nguồn hỗ trợ thấp, đối ứng cơ bản cao nên càng khó khăn trong tuyên truyền và tìm đối tượng thụ hưởng, đề nghị “nới” hơn nữa các quy định thụ hưởng chính sách khuyến công.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn xếp hạng đơn vị sự nghiệp dịch vụ công lập thuộc ngành Công Thương; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước với lĩnh vực Công Thương, giúp địa phương thực hiện tự chủ tài chính theo chủ trương của Chính phủ.
Nguồn: https://congthuong.vn/bac-kan-nhieu-kho-khan-trong-trien-khai-cong-tac-khuyen-cong-326310.html