Vừa học văn hoá, vừa học nghề
Đại diện một số trung tâm giáo dục thường xuyên, cao đẳng, trường nghề cho biết, từ khi có điểm chuẩn vào lớp 10, số phụ huynh quan tâm đến môi trường dạy, học phí cũng như cơ hội việc làm tại đây tăng đột biến.
Từ sáng sớm, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5) đã có nhiều phụ huynh đến để nghe tư vấn rồi mua hồ sơ cho con. Năm học 2024 – 2025, Trung tâm tuyển sinh 450 chỉ tiêu lớp 10, yêu cầu học sinh có học lực từ trung bình, hạnh kiểm từ khá trở lên mới đủ điều kiện để tuyển sinh.
Chị Thanh Chi (Quận 5) cho biết, trước đó, trong các buổi hướng nghiệp chị cũng được biết cách giảng dạy của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Rồi thông qua người quen từng học ở đây, chị cũng biết chất lượng của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An cũng khá tốt nên đã quyết định đến để nộp hồ sơ sớm.
“Học ở đây con vừa được học văn hoá theo hệ công lập, học giáo dục thường xuyên thì con cũng giảm được áp lực, đồng thời con cũng được học nghề nữa”, chị Chi nói.
Gia An (Quận 8) cùng mẹ đến nộp hồ sơ tại Trung tâm này chia sẻ, em tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập nhưng không may mắn trượt cả 3 nguyện vọng. An thi được 12 điểm, trong khi nguyện vọng lấy điểm thấp nhất là 12,25, còn nguyện vọng 1 tăng thêm 2 điểm: “Lúc biết kết quả em rất bất ngờ, tại vì em nghĩ điểm chuẩn sẽ giảm nhưng không ngờ tăng 2 điểm. Em sẽ học giáo dục thường xuyên nên chọn trường này để học chung cùng với bạn. Học xong lớp 12 thì em sẽ chọn đi làm luôn”.
Không chỉ những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, ngay cả một số học sinh ngay từ đầu đã không thi vào lớp 10 mà chọn vào trường nghề sau khi học xong THCS.
Xếp loại học lực giỏi nhưng Ngọc Huỳnh (Quận 11) lại không thi vào lớp 10 mà đăng ký vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và chọn thêm học nghề Dược sĩ. Ngọc Huỳnh cho biết, vì cũng có mong muốn làm giáo viên, nên nếu học xong 3 năm ở Giáo dục thường xuyên, em vẫn có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học hoặc Cao đẳng nếu muốn.
“Em thấy hệ giáo dục thường xuyên thì vừa kết hợp học văn hoá và học nghề, hướng đi đó sẽ tốt hơn cho em. Em thích theo hệ này vì khi tốt nghiệp xong, em có nghề để làm luôn”, em Ngọc Huỳnh nói.
Nhiều chính sách ưu tiên
Hiện nay, việc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên không quá khác biệt so với trường THPT. Một số trường trung cấp, cao đẳng cũng liên kết với các trung tâm để dạy văn hoá cho học sinh, đảm bảo vừa học nghề, vừa có thể tốt nghiệp THPT sau này.
Năm học mới, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An cũng tiếp tục phối hợp với 7 trường trung cấp, cao đẳng để dạy nghề miễn phí cho học viên, với 9 ngành nghề theo nhu cầu của xã hội như Dược sĩ, nghiệp vụ nhà hàng và khách sạn, công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp và tạo mẫu, tiếng Trung, điều dưỡng; kế toán, thiết kế nội thất và hướng dẫn du lịch.
Ông Lê Văn Chương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đến nay trung tâm đã tuyển được trên 60% chỉ tiêu cho năm học mới, nếu đủ chỉ tiêu, trung tâm có thể kết thúc việc xét tuyển sớm. Ngoài ra, trong quá trình học, trung tâm cũng hỗ trợ học bổng, học phí đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với thành tích học tập tốt.
“Ở đây chúng tôi dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, không bỏ môn nào, chỉ khác là không có âm nhạc và mỹ thuật. Những tổ hợp khoa học tự nhiên và xã hội chúng tôi vẫn dạy. Chúng tôi cũng tư vấn cho phụ huynh rằng, sau 3 năm thì thi 1 đề, bằng tốt nghiệp cũng không ghi là giáo dục thường xuyên. Chúng tôi cũng muốn mọi người có một cái nhìn khác về giáo dục thường xuyên”, ông Lê Văn Chương cho hay.
Tương tự, ông Tôn Ngọc Triều, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết, năm nay hệ trung cấp của nhà trường có 270 chỉ tiêu và hiện đã tuyển được khoảng 80%. Dự kiến nếu đủ chỉ tiêu đối với ngành nào thì sẽ ngừng xét tuyển ngành đó trước. Một số ngành được học sinh chọn nhiều như Công nghệ kỹ thuật ô tô, điện công nghiệp và dân dụng, quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Đối với những học sinh theo học hệ trung cấp, các bạn không chỉ được miễn học phí mà còn tạo điều kiện để vừa có thể học văn hoá cũng như học nghề: “Có rất nhiều ưu đãi đối với bậc học này từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ về việc làm sau khi tốt nghiệp. Đối với bậc trung cấp nhà trường cũng tạo điều kiện để các em có thể học liên thông tại trường lên bậc cao đẳng”.
Năm nay, TP.HCM có hơn 98.000 thí sinh thi tuyển vào lớp 10 công lập, chỉ tiêu tuyển là hơn 77.300 em. Khoảng 21.000 thí sinh không trúng tuyển sẽ lựa chọn học tư thục, giáo dục thường xuyên, học nghề phù hợp với nhu cầu cũng như điều kiện của từng học sinh.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-huong-di-cho-hoc-sinh-sau-khi-hoc-xong-thcs-post1106757.vov