“CON ĐI HỌC TỪ THỨ HAI TỚI CHỦ NHẬT”
“Lâu lắm rồi em không có cơ hội ăn chung bữa cơm với gia đình vì mỗi tối phải đi học thêm, hoặc ôn bài. Những bữa ăn của em đều vội vàng, có gì ăn nấy cho xong bữa rồi tiếp tục học bài”. Đó là tâm sự của nữ sinh D.C.T , lớp 12, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, với PV Thanh Niên.
Hay như bé M.T, học lớp 2 ở Q.1, kể: “Con đi học từ thứ hai tới chủ nhật. Tối nào cũng đi học thêm, thứ bảy, chủ nhật cũng đi học Anh văn. Con muốn được ăn cơm tối ở nhà nhưng cả nhà con ít khi ăn cơm cùng nhau”. Học sinh (HS) này cho biết bữa sáng của em là đồ ăn mua trong các cửa hàng tiện lợi, bữa trưa bán trú ở trường còn buổi chiều, bé sẽ được mẹ mua xôi, bánh mì ăn lót dạ trước khi được chở tới các lớp học thêm.
Chị T.T (phụ huynh bé M.T) cho biết vì yêu cầu công việc, chị phải đưa con đến các lớp học thêm buổi chiều tới 19 giờ để “con có người trông, mình cũng có thể hoàn thành công việc trong ngày”; còn cuối tuần thì phải đi học Anh văn bù cho các buổi đã nghỉ trước đó. Thông thường trong tuần, 19 giờ 45 cả nhà chị T. mới có mặt ở nhà, vợ chồng anh chị mỗi người đều tự ăn tối trước đó.
6 giờ chiều một ngày trong tuần, trên hàng ghế phía trước một trung tâm tiếng Anh ở đường Phạm Hùng, Q.8, TP.HCM, chúng tôi gặp một HS tiểu học đang ăn lót dạ trước khi vào ca học. Nhiều em khác, còn mặc đồng phục của trường THCS, THPT, vừa bước xuống từ xe máy của ba mẹ vừa gặm bánh mì.
Đang học lớp 12, P.T, HS một trường THPT ở Q.3, TP.HCM, học thêm kín các buổi tối. Thứ bảy và chủ nhật thì vừa tham gia các CLB ngoại khóa vừa đi học thêm nên P.T còn bận hơn. Nhiều hôm cuối tuần, em tham gia 3 ca học, từ sáng tới tối. “Em về tới nhà thì cả nhà đã ăn cơm hết rồi, em ăn sau, tắm rửa nghỉ một chút rồi lại làm bài tập tiếp”, P.T kể. Nam sinh kể em vẫn còn may hơn nhiều bạn vì mẹ vẫn kịp chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Tranh thủ ít phút trong buổi sáng, cả nhà em vẫn có thể ăn cùng nhau, trò chuyện mấy câu trước khi ai cũng vội vàng, hối hả cho một ngày kín lịch.
Thầy Đỗ Đình Đảo (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM)
BA MẸ BẬN MƯU SINH, CON TRONG VÒNG XOÁY HỌC HÀNH
Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM, kể trong nhiều lần trò chuyện với HS, phụ huynh, ông rất chạnh lòng khi nghe có em tâm sự thèm lắm một bữa cơm có đủ ba, đủ mẹ vào mỗi tối. “Có em kể với tôi ba mẹ bận mưu sinh, lo cơm áo gạo tiền cho cả nhà, tối muộn mới về. Em thì mua đồ ăn trên mạng, ăn xong học bài rồi đi ngủ. Ba mẹ về nhà thì có khi em đã ngủ say. Ba mẹ về muộn cũng mệt lả rồi, cả nhà không nấu nướng gì nữa, hầu như đặt đồ ăn giao tới. Những bữa cơm tự nấu nướng ở nhà, cả nhà ngồi ăn đông đủ bên nhau hiếm hoi vô cùng”, thầy Đảo cho hay.
Thầy hiệu trưởng cũng cho hay nhiều gia đình không mấy khi ăn cơm đông đủ được vì lịch học thêm của các con. Nhiều em sáng chiều học bán trú ở trường, 17 giờ tan học thì mua vội ổ bánh mì, hộp xôi ngoài cổng trường, vừa ăn vừa xách cặp chạy tới lớp học thêm ca 1 tới 19 giờ. Có em học tới 2 ca trong một buổi tối, về tới nhà có khi đã 21 – 22 giờ.
“Tôi hỏi nhiều em HS có gì tiếc nuối không. Có em nói muốn bớt học thêm lại, muốn buổi tối được thong thả ăn chén cơm chung với cả nhà mà không lo bài vở. Nhưng bây giờ rất khó, các em luôn sợ kết quả học tập không như ý thì ba mẹ sẽ buồn”, thầy Đảo tâm tư.
Thầy Lê Văn Nam, giáo viên hóa học Trường THPT Trần Văn Giàu, cho rằng hiện có một thực trạng đáng lo. Một bộ phận HS chia sẻ luôn cảm thấy quá tải. Nhiều em cảm thấy như đang sống trong một vòng xoáy liên miên của học hành, bài vở, các kỳ thi. Việc bỏ một buổi đi học thêm để ngồi ăn một bữa cơm ngon với cả nhà là điều các em không dám làm. Để chạy đua với lịch học, nhiều em chấp nhận ăn tạm, ăn “đại”, ăn cho xong để vào ca học.
Nếu một giây phút nào giật mình nhìn lại…
Nữ hiệu trưởng một trường học ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho rằng ai cũng mong con cái giỏi giang, thành đạt, nhiều người vì hoàn cảnh, lo toan cơm áo gạo tiền không thể lo cho con được bữa cơm trọn vẹn, phải gửi con ở trường trễ hay gửi con tới các lớp học thêm để mong con có một tương lai tươi sáng hơn. Người làm cha mẹ có cái lý của riêng mình. Tuy nhiên, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, khẩu vị yêu thích cho con trẻ. Bữa cơm ấy còn là cách người lớn kết nối gia đình, giáo dục HS biết quan tâm giúp đỡ ông bà, cha mẹ. Đặc biệt, nghệ thuật của người làm cha mẹ còn ở cách biết khơi gợi, biết kết nối làm sao để trong bữa cơm ấy, một cách tự nhiên, gần gũi nhất, các con biết giãi bày, chia sẻ, trình bày câu chuyện của mình.
“Là một người làm trong ngành giáo dục, tôi nghĩ mỗi người làm cha làm mẹ có con trong độ tuổi đang đi học còn nhiều vất vả như thế này, nếu dần dần chúng ta quên mất đi việc cho trẻ một bữa cơm gia đình, chúng ta cũng nên có lúc giật mình nhìn lại. Giật mình, để xem rằng việc các con phải học thật nhiều, phải thi đậu trường này trường kia là nhu cầu thật sự của con hay là điều chúng ta đang mong? Giật mình, xem mình đã quan tâm tới các con đủ đầy hay chưa?”, cô hiệu trưởng bày tỏ.
Đồng thời, theo cô, hiện các trường học đều hướng tới trường học hạnh phúc. Song, cần phải mở rộng hơn, đó là môi trường hạnh phúc. Trong môi trường ấy, các HS phải mang được điều mình đã học ở trường về với gia đình. Đó là khi các con không giận dỗi, không phản ứng khiến cha mẹ buồn lòng mà các con biết mạnh dạn bày tỏ quan điểm cá nhân bằng nhiều hình thức. Đó là khi các con biết lựa lời chia sẻ, biết gửi thông điệp tới cha mẹ, người lớn, để phụ huynh thấy được nhu cầu thật sự, ước mơ thật sự của các con. Đó chính là lan tỏa tinh thần hạnh phúc mà các con được thầy cô lan tỏa từ trường…
“Với HS, học hành là rất quan trọng, nhưng việc duy trì sự cân bằng giữa học tập và thư giãn cũng quan trọng không kém. HS phải có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, chăm sóc sức khỏe tinh thần và xây dựng mối quan hệ gia đình, bạn bè. Chỉ khi có sự nghỉ ngơi hợp lý, HS mới có thể học tập hiệu quả, duy trì sự sáng tạo và cải thiện sức khỏe tổng thể. Học tập quá tải, quên ăn quên ngủ, thiếu sự kết nối với gia đình, bạn bè không giúp tạo ra môi trường học tập lành mạnh, hạnh phúc”, thầy Lê Văn Nam nói. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-hoc-sinh-them-bua-com-gia-dinh-185241208192438584.htm