Trưng bày chuyên đề "Năm Thìn kể chuyện Rồng", giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, qua bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và ứng dụng rồng trong đời sống - mỹ thuật đương đại được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc.
Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt; Hình tượng rồng trong đời sống đương đại. Qua đó, truyền tải đến công chúng những ý nghĩa tốt lành, mong ước năm mới Giáp Thìn may mắn, hạnh phúc, sung túc.
PGS. TS Bùi Xuân Đính chia sẻ tại sự kiện.
Chia sẻ về phong tục chuẩn bị Tết xưa của người dân Hà Nội, PGS. TS Bùi Xuân Đính cho biết: "Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ bên ngoài, trở thành cái Tết đặc sắc của người Việt Nam. Đúng thì Tết diễn ra trong 3 ngày, nhưng để có được 3 ngày đó, các cụ, cha ông đã phải có hành trình chuẩn bị Tết rất chu đáo, chậm hơn thì cuối tháng Chạp. Ngày Tết tập trung vào sự ăn uống, ăn Tết – các cụ để dành dụm. Đói quanh năm, no 3 ngày Tết. Ít ra có một số món ăn chỉ ngày Tết mới có, như bánh chưng, thịt đông… còn giò chả vào dịp khác cũng có.
Ngày xưa, bánh chưng chỉ có ngày Tết và nồi bánh chưng gần như là tâm điểm của ngày Tết với đỗ xanh, thịt lợn. Chiếc bánh chưng hiện thân một triết lý rất hay. Ngoài ra, người dân đã qua cái Tết gian khó, chỉ ngày Tết hiện tại mới được ăn no. Vì vì đó mà Tết được coi là biểu tượng cho sự ấm no đủ đầy..."
"Một số đặc trưng, yếu tố mang tính hằng số của Tết: Tết là sự lạ mới – trên nền cũ nhà cửa, ngõ xóm đường làng nhưng được trang hoàng lại, dọn dẹp sạch sẽ, xóm làng như đổi mới. Cảnh sắc làng xóm thay đổi cùng với bộ áo mới mà ngày xưa mỗi năm chỉ có ngày Tết mới mua. Cùng với niềm tin của mọi người thể hiện ở nét mặt hân hoan, tạo ra không khí rất Tết rất đầm ấm" - PGS. TS Bùi Xuân Đính nói thêm.
Theo PGS. TS Bùi Xuân Đính, hành trình chuẩn bị Tết rất nhiều việc, mỗi việc có yêu cầu riêng, đều phải tỉ mỉ, chu đáo, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực, lao động tích cực của các thành viên trong gia đình.
Tọa đàm “Phong vị tết xưa Hà Nội” diễn ra sáng nay 1/2 tại Bảo tàng Hà Nội.
Còn theo Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Tết là một quá trình đổi mới, vì theo nguyên tắc của thuyết học phương Đông: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu và Đông tàn. Khi bắt đầu sang năm mới, Tết chính là Tiết. Nguyên thủy hơn nữa chính là một đoạn tre, nối lại là một tiết.
Chính vì vậy, Tết là thời gian chuyển mình giữa một mùa này sang mùa khác. Khi tất cả đều mới, người ta có xu hướng kiểm điểm những gì đã làm trong năm vừa qua và ước vọng năm mới. Nếu không thì xã hội loài người không tồn tại được.
"Ý nghĩa của lời chúc biểu hiện tình cảm, ước vọng của con người với những gì tốt đẹp năm cũ chưa làm được thì năm mới sẽ làm. Ước vọng đó là động lực để người ta sống, làm việc, hy vọng trong năm mới gặt hái được nhiều thành công mới. Về mặt tâm sinh lý học, con người đến mùa Xuân là khí dương phát triển, để mùa hè đạt đến trạng thái dương. Cho nên bản thân con người rất phấn khởi. Con cháu chúc ông bà bố mẹ, mọi người chúc nhau cũng phản ánh sự phát triển của con người trong mùa Xuân cũng như ước vọng của con người" - Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm nhấn mạnh.
Không gian trưng bày chuyên đề “Phong vị tết xưa Hà Nội”.
Tại Bảo tàng Hà Nội hôm nay, không gian trưng bày chuyên đề "Phong vị tết xưa Hà Nội" nói về các phong tục tốt đẹp của tết cổ truyền dân tộc. Theo đó, trưng bày gồm những nội dung: Bánh chưng; Tục dựng câu nêu; Tục chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; Thú chơi cây cảnh ngày Tết; Pháo Tết; Chợ Tết (xưa và nay).
Các nội dung này được thể hiện qua bộ ảnh sưu tầm trong nước và quốc tế, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt nhằm gợi lại những phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với Tết cổ truyền dân tộc. Bởi vì Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong năm, đồng thời cũng là lễ hội quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam. Mỗi mùa Tết đến, nơi nơi đều tràn ngập không khí vui tươi, hân hoan và tràn đầy sức sống.
Nguồn
Bình luận (0)