Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (Đề án 1 triệu ha lúa).
Hôm nay 29/10, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL”. Tại đây, Đề án 1 triệu ha lúa được nhiều đại biểu quan tâm đề cập đến.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa.
Để triển khai đề án hiệu quả, Bộ NNPTNT đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là triển khai các mô hình thí điểm 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, nỗ lực tuyên truyền các nội dung, hoạt động liên quan đến đề án. Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng, nông dân và các tác nhân tham gia mô hình.
Đồng thời, tham gia hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định khí phát thải nhà kính (MRV), chuyển giao kỹ thuật, quy trình công nghệ và kết nối các doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, Đề án 1 triệu ha lúa đã triển khai được gần 1 năm và cho những tín hiệu rất khả quan. Theo báo cáo từ các địa phương triển khai các mô hình thí điểm, năng suất các mô hình vụ Hè thu 2024 đạt từ 63 – 66 tạ/ha (cao hơn ngoài mô hình từ 2 – 7 tạ/ha), vụ Thu đông đạt từ 62 – 65 tạ/ha (cao hơn ngoài mô hình từ 0 – 4 tạ/ha).
Sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế các mô hình làm thí điểm tăng từ 2,3 – 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài ngoài mô hình và giảm phát thải khí nhà kính từ 3,9 – 12,0 tấn CO2e/ha.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ nhận định, thời gian qua, mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa đã mang lại diện mạo mới cho, cách nhìn mới. Đề án luôn nhận được sự quan tâm của Thủ tướng chính phủ, do đó, thời gian tới, địa phương rất cần đội ngũ tổ khuyến nông cộng đồng, cán bộ ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, bởi hiện nay TP.Cần Thơ mới tham gia thí điểm 50ha.
Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, trong suốt quá trình thực hiện, Đề án 1 triệu ha lúa luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, sự giúp đỡ, đồng hành của rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cũng như sự vào cuộc của hệ thống khuyến nông, cán bộ cơ sở các địa phương.
Qua đó, khuyến khích và tạo sự đồng thuận của người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác khi tham gia đề án. Góp phần thay đổi tập quán và kỹ thuật sản xuất của nông dân để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt là tăng sử dụng phân bón hữu cơ, tiết kiệm nước bằng – ngập khô xen kẽ, tận dụng nguồn rơm rạ để giảm phát thải và nâng cao giá trị gia tăng cho cây lúa,…
Trong thời gian tới, ông Hồng cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ nỗ lực thực hiện các phần việc được giao, đặc biệt là công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển, mở rộng các mô hình trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nội dung trên, rất cần sự chung tay vào cuộc từ các địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/nhieu-hoat-dong-ho-tro-thuc-hien-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-tai-dbscl-20241029111921528.htm