Sáng 5/7, UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức họp báo thông tin về lễ hội trái cây “Khánh Sơn – Hội tụ tinh hoa đất trời”. Đây là lễ hội được tổ chức với mục đích giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của huyện đến du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội diễn ra từ ngày 10-13/8, tại Quảng trường 20/11 với nhiều hoạt động đặc sắc như tái hiện các lễ hội truyền thống của người Raglai, biểu diễn và trưng bày nhạc cụ đàn đá; thi trái cây ngon; trưng bày một số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống; hội thảo kết nối phát triển du lịch trên địa bàn;…
Trong khuôn viên lễ hội được bố trí 60 gian hàng để trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím,… diễn ra xuyên suốt tại khu vực Quảng trường 20/11. Đây cũng là nơi tổ chức đêm khai mạc vào tối 10/8.
Lễ hội trái cây Khánh Sơn được tổ chức hai năm một lần, lần đầu vào năm 2019 và lần thứ hai vào năm 2022, riêng lần thứ 2 tổ chức giúp huyện tiêu thụ được khoảng 100 tấn trái cây các loại, thu hút trên 15 nghìn lượt khách đến tham quan.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tiếp nối thành công của hai lần tổ chức lễ hội, ở lần thứ 3 tổ chức, địa phương mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về vùng đất, con người Khánh Sơn, nơi có trái cây ngon của khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là sầu riêng quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép.
Qua lễ hội, người nông dân có cơ hội kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế – xã hội huyện Khánh Sơn thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững.
Huyện miền núi Khánh Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 100km. Huyện có độ cao trung bình đến 800m, khí hậu mát mẻ với 13 dân tộc anh em sinh sống, tổng dân số trên 27 nghìn người, trong đó đồng bào Raglai khoảng 73,4%, dân tộc Kinh khoảng 25,7%, còn lại là dân tộc Tày, Thái, Nùng, Hoa, Chăm,…
Khánh Sơn được biết đến với nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người đồng bào Raglai, nhiều di tích lịch sử – văn hóa giá trị, hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Theo đó, đến năm 2030, huyện Khánh Sơn đặt mục tiêu thu hút 45 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 6% khách quốc tế; phát triển cơ sở lưu trú lên khoảng 570 phòng; xây dựng 3 – 5 điểm du lịch sinh thái mới, phát triển các tuyến du lịch kết nối TP. Nha Trang. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi rừng gắn liền với phát triển văn hóa du lịch cộng đồng, các làng nghề truyền thống, giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng…/.
Nguồn: https://toquoc.vn/nhieu-hoat-dong-dac-sac-tai-le-hoi-trai-cay-khanh-son-20240705120045963.htm