Cụ thể, các nhà khoa học đánh giá gần 2.000 hồ lớn bằng cách sử dụng các công cụ đo từ vệ tinh kết hợp với mô hình khí hậu và thủy văn, từ đó kết luận rằng việc sử dụng không bền vững của con người, những thay đổi về lượng mưa, dòng chảy, trầm tích và nhiệt độ tăng cao đã khiến mực nước hồ giảm trên toàn cầu. Trong giai đoạn 1992-2020, có 53% số hồ rơi vào tình trạng giảm lượng nước.

Tình trạng khô hạn tại hồ Poopó lớn thứ hai ở Bolivia làm đảo lộn cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương. Ảnh: Reuters 

Một số nguồn nước ngọt quan trọng hàng đầu thế giới, từ khu vực biển Caspi giữa châu Âu và châu Á đến hồ Titicaca của Nam Mỹ bị mất nước với tốc độ tích lũy khoảng 22 tỷ tấn/năm trong gần ba thập kỷ qua, tương đương khoảng 17 lần thể tích của Mead-hồ chứa lớn nhất ở Mỹ. Điều này làm gần 2 tỷ người bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước trong những năm gần đây.

Lâu nay, giới khoa học đã lên tiếng cảnh báo nhân loại cần phải ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, trong đó nhiệt độ tăng cao có thể làm tăng lượng nước thất thoát vào khí quyển. Hiện trái đất đang nóng lên với tốc độ khoảng 1,1 độ C. “56% sự suy giảm trong các hồ tự nhiên là do trái đất nóng lên và mức tiêu thụ của con người. Tuy nhiên, sự nóng lên của hành tinh đóng góp phần lớn hơn”, Reuters dẫn lời nhà thủy văn học Fangfang Yao tại Đại học Virginia (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nêu rõ.

NGÂN ANH