(Dân trí) – Gần 200 hình ảnh, hiện vật, trong đó nhiều hiện vật gốc trưng bày tại triển lãm “Điện Biên Phủ – Một thiên sử vàng”, tái hiện “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm” làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Trưng bày 200 hình ảnh, hiện vật tại triển lãm về Điện Biên Phủ (Video: Hoàng Lam).
Trong chuỗi các hoạt động chào mừng 70 năm chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Cục Chính trị Quân khu 4 và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức triển lãm “Điện Biên Phủ – một thiên sử vàng”.
Triển lãm trưng bày hơn 160 hình ảnh cùng gần 30 hiện vật của các anh hùng, liệt sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trong đó có nhiều hiện vật gốc, tái hiện sinh động nhất đóng góp của quân và dân ta nói chung, quân và dân Liên khu 4, Nghệ An nói riêng trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Chiếc mũ cối, áo trấn thủ, súng tiểu liên, xẻng… được sưu tầm, trưng bày tại cuộc triển lãm.
Chiếc xe đạp thồ huyền thoại vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, thuốc men lên Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 20.991 chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia chiến dịch và đã làm nên chiến tích mang tên Điện Biên Phủ.
Ký giả Jules Joy trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” đã viết: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy…
Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilong trải trên đất”.
Những chiếc bồ đan bằng nứa được sử dụng để chứa gạo vận chuyển lên Điện Biên. Thiết kế chống được rơi vãi gạo dọc đường, với chiếc quai gióng ngắn, cơ động cùng đôi vai trần và “đôi chân vạn dặm”, dân công Liên khu 4 đã vận chuyển hàng chục nghìn tấn gạo băng rừng, vượt đèo cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng ống nhòm để quan sát trận địa. Ảnh bên trái là hiện vật thay thế chiếc ống nhòm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4.
Mô hình bộc phá được gói bọc bằng lá chuối rừng và cơm nếp. Đây là sáng kiến của Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Tư, chiến sỹ công binh quê huyện Yên Thành, Nghệ An sử dụng phá thác mở đường vận chuyển lương thực bằng đường thủy tại Điện Biên Phủ.
Chiếc ba lô xếp của đồng chí Nguyễn Kim Sơn (xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An), chiến sỹ đại đội 60, Tiểu đoàn 481, Đại đoàn 304 sử dụng đựng quân tư trang trong thời gian chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phía trên là chiếc ca uống nước “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Nguyễn Văn Chính (Nam Đàn, Nghệ An), tiểu đội trưởng thuộc trung đoàn 98, Đại đoàn 316 vì thành tích xuất sắc trong chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ.
Các lực lượng mở đường, vận tải lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh chụp lại triển lãm).
Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-Cát, kết thúc chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm”, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (Ảnh chụp lại triển lãm).
Bộ đội và nhân dân rước ảnh Bác Hồ tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh chụp tại triển lãm).
Bằng sự kết nối giữa hình ảnh, tư liệu, hiện vật, bố cục chặt chẽ, khoa học, triển lãm mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Triển lãm được tổ chức lưu động tại các địa phương trong tỉnh Nghệ An, phục vụ đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cho đến hết ngày 7/5.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhieu-hien-vat-goc-tai-hien-56-ngay-dem-khoet-nui-ngu-ham-20240504115123518.htm