Nhiều hiện vật độc đáo bằng đá phát lộ khi khai quật trong nội thành di sản thế giới Thành nhà Hồ được trưng bày ngoài trời để du khách có một cái nhìn rõ hơn về sự hình thành của tòa thành đá “độc nhất, vô nhị” ở xứ Thanh
Trung tâm di sản thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã đưa vào khai thác thêm nhiều hoạt động mới tại di sản này, trong đó có không gian trưng bày hiện vật ngoài trời gồm khu trưng bày các hiện vật bằng đá và khu phục dựng, mô phỏng súng thần công.
Theo ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, không gian trưng bày với mục đích, thông qua hoạt động trưng bày sẽ giúp cho du khách trong nước và quốc tế có một cái nhìn sâu hơn về những nét đặc sắc của di sản mà cha ông đã để lại, bổ sung vào bức tranh toàn cảnh của một di sản độc đáo, nổi bật đã được thế giới công nhận.
Đồng thời khẳng định Thành nhà Hồ là một kinh đô đã được xây dựng hoàn chỉnh vốn đầy đủ cung điện, đền đài, miếu mạo ở bên trong và được sử dụng liên tục trong suốt tiến trình lịch sử của văn minh Đại Việt chứ không phải là một ngôi thành trống trơn.
Đây là minh chứng xác đáng cho những ghi chép trong sử sách về những cung điện, đền đài trong thành nội là hoàn toàn trùng khớp và có căn cứ khoa học. Các cuộc khai quật, khảo cổ học trong khu vực nội thành Thành nhà Hồ đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Hàng chục cuộc khai quật trong và ngoài di sản thế giới Thành nhà Hồ đã phát lộ nhiều hiện vật quý, minh chứng cho sự phát triển tồn tại của tòa thành đá độc đáo này
Không gian trưng bày ngoài trời bao gồm hệ thống các hiện vật bằng đá được sưu tập và khai quật trong thành Nội tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, trong đó chủ yếu là chân tảng và các vật liệu trang trí hành lang của các cung điện xưa với các họa tiết độc đáo.
Những hiện vật tìm thấy từ những cuộc khai quật, khảo cổ học đã làm rõ sự hình thành của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô xưa. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quê hương, đất nước; đồng thời thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ hiện tại và cả trong tương lai.
Một số hình ảnh về không gian trưng bày các hiện vật bằng đá ở Thành nhà Hồ:
Không gian trưng bày ngoài trời các hiện vật được tìm thấy và sưu tầm ở di sản thế giới Thành nhà Hồ
Các hiện vật được chạm trổ có họa tiết hoa văn rất độc đáo là hình tượng đài sen – cánh sen – một trong các biểu tượng của nhà Phật
Trong đó có nhiều chân táng đá được các nhà sử học khẳng định có từ thời Trần và được Hồ Quý Ly đưa về Thành nhà Hồ
Qua hoạt động trưng bày không chỉ làm phong phú thêm hoạt động tham quan ở Thành nhà Hồ mà giúp tất cả chúng ta có một cái nhìn sâu hơn về những nét đặc sắc của di sản mà cha ông đã để lại
Theo Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, trong dịp hè vừa qua đã có hàng chục ngàn lượt khách tới tham quan di sản, trong đó có rất đông học sinh. Đây là dịp để các em có những ngày hè bổ ích, khám phá và hiểu biết thêm về những giá trị to lớn của di sản thế giới Thành nhà Hồ
Không chỉ trưng bày những hiện vật bằng đá, Trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ còn trưng bày các panô ảnh tấm lớn giới thiệu các hiện vật trang trí kiến trúc đẹp nhất, tiêu biểu nhất của di sản Thành nhà Hồ
Ngoài ra, Trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ còn phỏng dựng nhiều khẩu súng thần công, gắn liền với tên tuổi của Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly, người đã chế ra súng “thần cơ”)