Lo ngại về an ninh trật tự
Theo Công an TP Hà Nội, hình thức kinh doanh dịch vụ lưu trú với loại hình homestay đang nở rộ và dần trở thành một phần không thể thiếu đối với các du khách ưa thích trải nghiệm.
Với nhiều tiêu chí nhỉnh hơn hẳn so với các khách sạn truyền thống về địa điểm, giá cả, tiện ích, gần gũi thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa…, homestay tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối với ngành du lịch.
Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có khoảng trên 150 homestay, nhà nghỉ phân bố tập trung ở các xã Vân Hoà, Yên Bài, Minh Quang, Tản Lĩnh… Công an TP Hà Nội nhận định, bên cạnh những ưu điểm do homestay mang lại, vấn đề an ninh trật tự liên quan đến các homestay trên địa bàn đang khiến người dân lo ngại.
Cơ quan chức năng thông tin, nhiều khi chỉ cần có một căn nhà, nâng cấp sơ sài, 1 phòng chỉ rộng khoảng 20m2 là chủ cơ sở có thể đón tới 15-20 người ngủ nghỉ bởi du khách đa phần đều chỉ cần có chỗ nghỉ chân vào buổi tối.
Mặt khác, việc ồ ạt, đua nhau làm homestay không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng ở một số nơi “cung” nhiều hơn “cầu”, nên nhiều homestay rơi vào tình cảnh ế ẩm. Từ đó, một số nơi với tâm lý “chộp giật, chèo kéo” nên phá giá để lôi kéo khách.
Nhiều cơ sở chưa đủ tiêu chuẩn về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, lực lượng làm du lịch chưa được đào tạo kiến thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ, ngoại ngữ nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch, hoặc quảng bá thiếu phù hợp với văn hóa bản địa.
Những vấn đề trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị văn hóa địa phương, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của khách du lịch.
Dùng homestay để chơi ma tuý
Vào cuối tháng 6.2023, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) kiểm tra một homestay tại thôn Muỗi, xã Yên Bài, phát hiện 18 thanh niên nam, nữ đang “bay lắc” có biểu hiện phê ma tuý.
Qua điều tra, Công an huyện Ba Vì xác định, chủ nhân bữa tiệc sinh nhật là Lý Thị Bích Ngọc (sinh năm 2004; ở thôn Nà Coóc, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) là nhân viên phục vụ quán karaoke của vợ chồng Phùng Thế Sáng (sinh năm 1996) và Đỗ Thị Như Mỹ (sinh năm 1999) cùng trú tại thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Ngày 28.6 là sinh nhật của Ngọc, được sự đồng ý của Sáng và Mỹ, cả nhóm đã đặt mua 10 triệu đồng ma túy dạng “ke” và “kẹo” mang tới homestay trên để tổ chức sử dụng trái phép.
Cơ quan Công an cũng làm rõ, homestay này do Nguyễn Văn Thành (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) làm quản lý. Quá trình hoạt động kinh doanh, Thành thuê em trai là Nguyễn Văn Thật (sinh năm 2000) và Bạch Thành Chung (sinh năm 2002, trú cùng thôn) phụ trách trông coi.
Các đối tượng này thường xuyên cho khách thuê homestay sử dụng ma túy với giá 300.000 – 500.000 đồng. Để bảo đảm an toàn cho khách, Chung và Thật làm nhiệm vụ cảnh giới qua hệ thống camera an ninh, khi thấy người lạ vào sẽ báo cho cả nhóm biết.
Liên quan đến vấn đề này, Công an TP Hà Nội cho biết sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở homestay, kiểm tra kinh doanh quản lý, khai báo tạm trú, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, thẩm định kỹ hồ sơ khi tiếp nhận, không cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở khi chưa bảo đảm đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.
Đồng thời, các chủ cơ sở kinh doanh và người dân cần cảnh giác, phối hợp với cơ quan công an khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn phức tạp về an ninh trật tự tại homestay.