Chờ đón cổ phiếu mới
Ngày 17.1 tới đây, khoảng 3,1 tỉ cổ phiếu (CP) BSR của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.300 đồng/CP, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đang được định giá hơn 66.000 tỉ đồng, tương đương hơn 2,6 tỉ USD. Quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỉ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, chiếm khoảng 30% nhu cầu năng lượng của VN nên dù đã giao dịch trên UPCoM nhưng việc BSR lên sàn HOSE vẫn thu hút sự chú ý của giới đầu tư và được đánh giá sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung và HOSE nói riêng thêm sôi động. Bởi theo các nhà đầu tư lẫn chuyên gia tài chính, HOSE có các điều kiện và tiêu chuẩn niêm yết cao hơn giúp công ty nâng cao tính minh bạch, thương hiệu, khả năng tiếp cận vốn và thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.
Tương tự, thông tin chuyển giao dịch CP từ UPCoM sang niêm yết HOSE trong năm 2025 của lãnh đạo Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) công bố cũng là tin quan trọng với các nhà đầu tư. Bởi đây là công ty quan trọng của Tập đoàn Masan, CP MCH gần đây cũng liên tục tăng cao, vượt lên hơn 130.000 đồng, đưa vốn hóa thị trường của Masan Consumer lên trên 168.000 tỉ đồng, tương đương hơn 6,5 tỉ USD. Theo một báo cáo của HSBC, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.
Từ năm 2017 – 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2x tốc độ thị trường chung. Cũng như BSR, dù CP MCH không xa lạ với nhà đầu tư nhưng khi chuyển sang HOSE cũng sẽ tạo ra một làn gió mới cho chính cổ đông công ty nói riêng và thị trường nói chung.
Đáng chú ý, sau một năm èo uột, vắng bóng các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để lên sàn chứng khoán thì năm nay nhiều đơn vị đã lên kế hoạch thực hiện. Có thể kể đến như “ông lớn” Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup sẽ chào bán hơn 70 triệu CP ngay trong quý 1/2025. Với giá chào bán 71.350 đồng/CP, Vinpearl ước sẽ thu về khoảng 5.000 tỉ đồng và vốn điều lệ dự kiến tăng lên gần 18.000 tỉ đồng.
“Ông lớn” bất động sản nghỉ dưỡng này cũng đã hoàn tất nhiều thương vụ mua bán sáp nhập thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư đánh giá sức hấp dẫn của CP Vinpearl được hỗ trợ khi kế hoạch đưa CP lên sàn sau khi IPO cũng từng hé mở tại cuộc họp cổ đông của công ty mẹ Vingroup. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO, như hai đơn vị bán lẻ lớn là Thế Giới Di động và FPT Retail cũng không giấu tham vọng sẽ IPO “con cưng” của mình là Bách Hóa Xanh và Long Châu trong tương lai…
Cơ hội mới cho thị trường chứng khoán
Số lượng hàng “khủng” sắp chào sàn và được dự báo sẽ còn gia tăng thời gian tới là thông tin tốt cho TTCK nói chung. Bởi theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, TTCK luôn cần có hàng mới, nhất là CP của những DN càng lớn càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực tế, những năm gần đây, sự xuất hiện của các đơn vị quy mô lớn trên sàn còn quá ít.
Chính vì vậy, ngay cả khi CP BSR của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn hay MSN của Masan Consumer vốn đã được giao dịch trên UPCoM nhưng khi chuyển sang HOSE cũng sẽ tạo ra sự tích cực, phấn khởi trên thị trường. Bởi khi CP lên HOSE sẽ được các nhà đầu tư lớn, những quỹ đầu tư ngoại chú ý hơn so với sàn UPCoM. Còn với những CP IPO lần đầu và niêm yết như Vinpearl hay các đơn vị khác cũng sẽ thổi một làn gió mới vào TTCK nói chung. Vì thế theo ông Hải, ngoài việc IPO của các công ty tư nhân, nhà nước cần phải tiếp tục thúc đẩy quá trình thoái vốn ở nhiều DN lớn. Chẳng hạn như MobiFone trước đây đã có kế hoạch bán vốn nhà nước, IPO nhưng sau đó dừng lại và chưa biết khi nào khởi động lại. Hay thậm chí việc tiếp tục giảm vốn của nhà nước tại các công ty đã niêm yết trên sàn như FPT, nhựa Bình Minh… dù đã được công bố nhưng năm qua vẫn chưa thực hiện.
“Mặc dù TTCK năm qua có nhiều thời điểm trầm lắng nhưng nếu nhà nước thực sự thoái vốn với tỷ lệ lớn, mời các nhà đầu tư chiến lược tham gia thì sẽ thành công như thương vụ thoái vốn Sabeco, Vinaconex… Việc thoái vốn thành công không chỉ giúp nhà nước thu được giá cao mà các DN sau đó cũng có nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn khi thêm nhà đầu tư mới. Nhà nước phải thoái vốn với tỷ lệ cao để có thể tham gia vào quản trị doanh nghiệp thì mới thu hút được nhà đầu tư chiến lược tham gia. Nếu chỉ bán phần nhỏ, tỷ lệ sở hữu thấp thì chưa đủ hấp dẫn để chào mời các nhà đầu tư lớn quan tâm”, ông Nguyễn Hoàng Hải lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, cũng cho rằng khi có CP lên sàn từ các DN thực hiện IPO sẽ kéo theo nhiều cổ đông mở tài khoản chứng khoán để giao dịch. Đây là lực lượng nhà đầu tư mới trên TTCK. Từ đó cũng góp phần giúp thanh khoản thị trường gia tăng.
Bên cạnh “hàng mới”, quyết tâm thực hiện mục tiêu năm 2025 của TTCK VN được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là thông tin lạc quan cho thị trường trong năm nay. Thực tế, việc nâng hạng TTCK VN đã được Chính phủ nhắc đến từ năm qua và có nhiều chính sách thúc đẩy cũng như gỡ bỏ những nút thắt để thực hiện mục tiêu này. Vì vậy, khả năng TTCK VN được nâng hạng có thể hoàn tất theo đúng mục tiêu và đó sẽ là bước tiến thật sự của thị trường. “Nếu được nâng hạng, dòng vốn ngoại vào thị trường sẽ gia tăng. Nhưng để thị trường tăng cao, cần có thêm nhiều CP của các DN ở lĩnh vực công nghệ; các ngành nghề truyền thống nhưng ứng dụng công nghệ, thích nghi tốt với xu hướng thời đại chuyển đổi số, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Bởi nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang quan tâm nhiều đến nhóm CP này”, ông Khánh phân tích.
Hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế
Năm 2025 được coi là thời điểm “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020 – 2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao 8 – 10%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5 – 7%), để tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo. Cùng với GDP, Chính phủ cũng dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng tín dụng trên 15%, thu ngân sách nhà nước cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024 và triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên…
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8 – 10% là khá cao nhưng Chính phủ quyết tâm và có sự cộng hưởng của tất cả thành phần kinh tế thì vẫn có khả năng đạt được. Cùng với việc kiểm soát lạm phát, các ngành xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng tốc thì chắc chắn kinh tế sẽ tăng trưởng. Đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy TTCK đi lên. Cụ thể hơn, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cũng cao hơn mức tăng của năm 2024, khoảng 16%. Đồng nghĩa với doanh thu, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng. Trên TTCK, nhóm CP ngân hàng, tài chính chiếm tỷ trọng lớn nên chắc chắn sẽ rất sôi động.
Tương tự, các dự án hạ tầng, giao thông cũng đang được đẩy nhanh sẽ giúp cho các DN trong lĩnh vực này và ngành vật liệu xây dựng phát triển. Song song đó, VN đang thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao thì các công ty ngành công nghệ, dịch vụ cũng có cơ hội tăng tốc… “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, ngay từ đầu năm Chính phủ phải quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đưa vốn từ ngân hàng vào nền kinh tế.
Đồng thời có những kịch bản chi tiết để ứng phó với biến động chính sách mới từ các quốc gia khác, nhất là Mỹ khi Tổng thống mới Donald Trump lên nắm quyền. Đối với TTCK, nền tảng kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất vì đó là cơ sở cho các DN phát triển. Với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay thì TTCK VN có nhiều điều kiện để phát triển mạnh hơn. Thêm vào đó, nếu Mỹ vẫn tiếp tục giảm lãi suất như ước tính trước đây thì dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng vào VN, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, giúp các DN trong nước có thể gia tăng gọi vốn đầu tư qua TTCK”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, VN đã có nhiều chuyển biến mới khi lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ nhấn mạnh phải loại bỏ ngay tư duy “không quản được thì cấm” hay thúc đẩy công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Cộng thêm với những kế hoạch lớn như xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại VN với các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại trung tâm tài chính… Đặc biệt, việc áp dụng chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech), bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa… cho thấy VN đã “mở” nhiều hơn. Đây cũng là cơ sở để kinh tế có thể tăng trưởng đột phá.
Dù vậy ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh: Dòng vốn đầu tư tìm đến các DN công nghệ trong năm 2024 gia tăng mạnh và xu hướng này vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó số lượng CP công nghệ trên TTCK VN còn khá ít. Các DN lĩnh vực này còn khá mới, chủ yếu là
start-up. Vì vậy rất cần chính sách thông thoáng, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp và sau đó gọi vốn, IPO rồi niêm yết. Nếu không có những chính sách cởi mở hơn thì sẽ thiếu vắng hẳn những DN công nghệ về blockchain, trí tuệ nhân tạo mới ra đời và tham gia vào sàn chứng khoán Việt. Nếu vẫn chỉ có những DN kinh doanh trong các lĩnh vực truyền thống thì TTCK sẽ khó có sự tăng trưởng đột phá như mong muốn.
Nhiều ngành nghề kinh doanh thuận lợi hơn
Chính phủ đặt ra mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm mới. Từ đó giúp nhiều DN có cơ hội đẩy mạnh hoạt động. Ngoài xuất khẩu vốn đã hồi phục mạnh trong năm vừa qua và tiếp tục gia tăng khi kinh tế thế giới tăng trưởng thì các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng đều có nhiều cơ hội hơn. Thậm chí nhiều DN bất động sản, xi măng sắt thép thời gian qua thua lỗ thì nay cũng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và khả năng cầm cự được hoặc có lãi trở lại. Kinh tế càng phát triển thì TTCK sẽ đi lên. Việc xây dựng các trung tâm tài chính cũng sẽ góp phần thúc đẩy TTCK mạnh hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN)
Nhiều yếu tố giúp chứng khoán tăng tốc
Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 8 – 10% trong năm 2025; các hoạt động đầu tư, xuất khẩu của VN vẫn dự báo năm nay sẽ tiếp tục tăng; dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng liên tục chảy vào VN đồng thời quyết tâm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là động lực thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Trong đó, tăng trưởng tín dụng cao hơn thông thường cũng giúp TTCK khởi sắc khi các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn. Khi kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN phát triển mạnh, lợi nhuận ước tính gia tăng thì CP cũng đi lên. Dòng vốn đầu tư cũng tập trung vào hoạt động sản xuất và kênh chứng khoán nhiều hơn thay vì chỉ gửi tiết kiệm hay mua vàng như trước đây. Rõ ràng TTCK sẽ là kênh tăng trưởng nhiều tiềm năng trong năm mới.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-hang-khung-sap-len-san-185250110233341597.htm