Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Theo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật này quy định quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; điều tra địa chất, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên địa chất; thăm dò, khai thác và bảo vệ khoáng sản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dầu khí, các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Cũng theo Dự thảo Luật, đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng gồm: 141 Điều (tăng 5 Điều so với Đề cương chi tiết đã được Chính phủ thống nhất), 13 Chương (tăng 1 Chương về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động địa chất, khoáng sản so với Đề cương). Đơn vị xây dựng Luật đã đổi tên, bổ sung một số chương, cũng như thay đổi tên, bổ sung, bỏ và dịch chuyển một số Điều.
Phó Cục trưởng Mai Thế Toản mong muốn các thành viên Tổ biên tập góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điều tra địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thay cho Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; vấn đề quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển trong và ngoài phạm vi 6 hải lý; bổ sung Chương: Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản và Chương: Thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản.
Đơn vị được giao xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản cũng mong nhận được ý kiến của Tổ biên tập về xác định trữ lượng khoáng sản; quy định và làm rõ trong Luật về khai thác khoáng sản đi kèm; thẩm quyền cấp phép khoáng sản ở khu vực ranh giới giữa 2 tỉnh; khai thác quy mô nhỏ (cần có tiêu chí) và phân cấp cho huyện cấp phép quy mô nhỏ; vấn đề khai thác vượt công suất; khu vực khai thác.
Ngoài các ý kiến trên, các thành viên của Tổ biên tập góp ý các nội dung về phân cấp phê duyệt khu vực cấm cho UBND cấp tỉnh; vấn đề về thế chấp Giấy phép khai thác khoáng sản; thủ tục hành chính (giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác); chế biến khoáng sản; công khai thông tin; vấn đề sử dụng đất đá dôi dư (dư thừa) sau khi đã sử dụng cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường; vấn đề về tư vấn giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (hoạt động kinh doanh có điều kiện); xã hội hóa một số hoạt động quản lý nhà nước.
Một số thành viên Tổ biên tập cũng góp ý về sử dụng đất trong quá trình khai thác; hệ thống công viên địa chất toàn cầu và các vấn đề liên quan đến địa chất; quy định về đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông; thế chấp quyền khai thác khoáng sản; hạch toán tài nguyên địa chất và tài nguyên khoáng sản…
Ghi nhận ý kiến của các thành viên tổ biên tập, ông Nguyễn Trường Giang – Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến bằng văn bản của các thành viên gửi về bộ phận thường trực tổ biên tập để cơ quan soạn thảo nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo lãnh đạo Bộ TN&MT, đảm bảo tiến độ xây dựng Luật.