(Dân trí) – Với chính sách thử nghiệm máy bay không người lái tại TPHCM, các doanh nghiệp không phải xin giấy phép mỗi lần bay. Địa phương nghiên cứu mở rộng thông số thử nghiệm cao hơn.
TPHCM vừa chính thức thông qua quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đây là một trong những cơ chế, chính sách đặc thù thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ mà TPHCM được áp dụng trong Nghị quyết 98.
Với chính sách mới, các tổ chức tham gia thử nghiệm có kiểm soát được sử dụng mặt bằng, cơ sở hạ tầng phù hợp tại các khu vực đã quy định. Đồng thời, việc thử nghiệm được miễn các giấy phép thuộc thẩm quyền TPHCM, được đăng ký bảo hộ với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn tranh luận là chính sách đưa ra những giới hạn kỹ thuật cho phương tiện. Một số ý kiến cho rằng, các quy định chặt chẽ về mặt kỹ thuật có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khi muốn nâng cấp công nghệ trong tương lai, việc giới hạn thử nghiệm trước 17h cũng chưa thuận tiện cho phương tiện bay không người lái, có chức năng hoạt động ban đêm.
Làm rõ vấn đề này, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm máy bay không người lái tại Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao phải xin giấy phép bay của Bộ Quốc phòng. Mỗi lần cất cánh, họ đều cần phải xin phép.
Bên trong khuôn viên Khu Công nghệ cao, giới hạn thử nghiệm tầm bay hiện tại từ 100m trở xuống, doanh nghiệp muốn thử nghiệm tầm cao hơn, sải cánh rộng hơn thì phải qua Cần Giờ. Muốn đo đạc cụ thể các thông số kỹ thuật trong hành trình bay, doanh nghiệp thậm chí phải sang nước ngoài để thử nghiệm.
“Chính sách mới của thành phố đã đưa ra hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thay vì mỗi lần bay đều phải xin phép, địa phương căn cứ nhu cầu hoạt động của đơn vị và cấp phép cho cả năm. Doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm chỉ cần đăng ký là có thể bay, các cơ quan đã đưa ra thông số để kiểm soát tầm cao, cự ly bay. Doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm bay tầm cao hơn, sải cánh rộng hơn sẽ thử nghiệm ở khu vực khác”, ông Lê Trương Hải Hiếu phân tích.
Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM thông tin thêm, trong quá trình thẩm tra tờ trình của UBND TPHCM, đơn vị cũng đề nghị thành phố tiếp tục nghiên cứu để thiết lập một khu thử nghiệm chuyên đề cho doanh nghiệp. Khu vực mới sẽ được thử nghiệm phương tiện với các thông số kỹ thuật cao hơn.
Đối với chính sách mới này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, việc thí điểm có kiểm soát là nội dung địa phương nhìn ra vấn đề và xin cơ chế, chính sách đặc thù. Quá trình này, địa phương đã trao đổi, xin ý kiến các cơ quan Trung ương để đi tiên phong trong vấn đề thí điểm có kiểm soát.
“Đã là thí điểm có kiểm soát thì chúng ta chưa thể hình dung được hết, cần đặt ra giới hạn để kiểm soát”, ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm.
Theo chính sách mới, TPHCM đưa ra các tiêu chí cơ bản và thông số kỹ thuật cho việc thử nghiệm máy bay không người lái là sải cánh, thân dài tối đa 1,57m, chiều cao tối đa 71,5 cm, trọng lượng cất cánh tối đa 70kg. Tốc độ bay tối đa 100km/h, độ cao bay tối đa không quá 200m, việc thử nghiệm từ 7h đến 17h.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhieu-gioi-han-duoc-thao-go-khi-tphcm-thu-nghiem-may-bay-khong-nguoi-lai-20241116111054760.htm