Đó là một nội dung đáng chú ý trong báo cáo thường niên về dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam do Viện Khoa học giáo dục và Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia công bố mới đây.
Theo báo cáo, căn cứ kết quả rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông và kết quả hoạt động bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh các cấp tại các địa phương, đến năm học 2022 – 2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới là 84%, trong đó cấp tiểu học 84%, trung học cơ sở 87% và trung học phổ thông là 77%.
So với quy định chuẩn năng lực ngoại ngữ hiện nay với giáo viên tiếng Anh, tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn tương đối cao ở các tỉnh, thành. Báo cáo cho biết, một số tỉnh, thành thuận lợi có tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ khá cao như Hà Nội (tiểu học là 85%, trung học cơ sở 85%, trung học phổ thông 85%) hay Khánh Hòa (tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở 96% và trung học phổ thông 91%).
Đáng chú ý, một số tỉnh miền núi mặc dù điều kiện khó khăn nhưng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cũng tương đối cao như Hà Giang (tiểu học đạt 91%, trung học cơ sở 81% và trung học phổ thông 80%) .
Sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với môn ngoại ngữ, hầu hết giáo viên đều đã được tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học môn ngoại ngữ nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (trên 92% số giáo viên tham gia khảo sát năm 2023 trong nghiên cứu này).
27% giáo viên ngoại ngữ được khảo sát chỉ ở mức trung bình, kém và rất kém
Về đánh giá của giáo viên với những yêu cầu đặt ra với giáo viên dạy môn ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, trên 78% số giáo viên tham gia khảo sát cho rằng yêu cầu đặt ra với giáo viên ở mức cao và rất cao, còn lại trên 20% đánh giá ở mức trung bình và chỉ hơn 1% cho rằng yêu cầu đặt ra thấp và rất thấp.
Về đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, khoảng 73% giáo viên tham gia khảo sát tự đánh giá mình đáp ứng tốt và rất tốt các yêu cầu đặt ra với giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn còn 27% giáo viên ngoại ngữ ở mức trung bình, kém và rất kém.
“Trước các yêu cầu đặt ra về dạy học phát triển năng lực toàn diện (4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) và dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, phần lớn các giáo viên đều chia sẻ họ tự tin vào năng lực dạy kỹ năng đọc và viết hay ngữ pháp cho học sinh nhưng thấy thách thức hơn với việc dạy kỹ năng nghe và nói” báo cáo nêu.
Khó khăn hơn khi tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ ở một số địa phương dẫn đến việc các giáo viên phải dạy nhiều giờ trong 1 tuần. Vì vậy, họ không có đủ thời gian để tự học hỏi phát triển chuyên môn, tìm hiểu phương pháp dạy học mới đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Báo cáo không đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng
Tuy nhiên, báo cáo này chưa đề cập đến tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đặc biệt ở cấp tiểu học. Trong khi đó, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh phổ thông.
Phản ánh của Báo Thanh Niên vài năm gần đây cho thấy có những huyện vùng cao ở phía bắc như Mèo Vạc (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái) gần như “trắng” giáo viên tiếng Anh, phải dựa vào sự giúp đỡ dạy trực tuyến của trường học ở Hà Nội, của các mạnh thường quân hoặc điều động giáo viên biệt phái từ thành phố lên…
Có nơi như Trường tiểu học – THCS Cao Sơn (H.Bá Thước, Thanh Hóa) không có giáo viên môn tiếng Anh, cũng không có sự hỗ trợ nào nên hết học kỳ 1 học sinh vẫn không được học môn học này…