Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận nhiều gia đình đăng ký và chủng ngừa trước dịp lễ hội cuối năm tăng cao, nhằm chuẩn bị sức khỏe trước khi du lịch, đón Tết.
Họ là những người thân trong gia đình, chọn tiêm vaccine cúm, phế cầu, ho gà – bạch hầu – uốn ván và vaccine phòng bệnh đặc thù vùng như tả, thương hàn… Ví dụ gia đình anh Nguyễn Văn Vũ (Bình Thạnh, TP HCM) tiêm nhắc cúm, tiêm thêm tả, thương hàn để chuẩn bị cho chuyến du lịch Thái Lan vào dịp Tết Dương lịch sắp tới. Anh cho biết đây là lần đầu tiên gia đình du lịch nước ngoài, vì vậy muốn chuẩn bị sức khỏe để không bị gián đoạn trải nghiệm trong chuyến du lịch.
Còn chị Nguyễn Thị Tâm (45 tuổi, TP HCM) đưa hai con tiêm vaccine cúm và phế cầu trước khi về quê đón Tết cùng gia đình tại Hà Tĩnh. “Miền Trung những ngày Tết thường lạnh và mưa nhiều, hai con còn nhỏ, hệ hô hấp yếu nên tôi muốn phòng bệnh trước, an tâm vui xuân đón Tết”, chị nói.
Còn ông Nguyễn Văn Khôi (65 tuổi, Nam Định) cùng vợ tiêm nhắc vaccine cúm, ho gà. Ông có bệnh nền hen suyễn, thường khó thở và mệt mỗi khi thời tiết thay đổi, còn vợ mắc đái tháo đường. Vì vậy, ông bà thường tiêm nhiều vaccine theo khuyến cáo của bác sĩ để tránh mắc bệnh, yên tâm tham gia các lễ hội đông người dịp Tết.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết dịp lễ Tết thường là thời điểm người dân tăng di chuyển, tiếp xúc cộng đồng với nhiều hoạt động như du lịch, về quê, thăm người thân… Lúc này, điều kiện thời tiết thường ẩm ướt, giao mùa đông – xuân ở miền Bắc, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn hoạt động mạnh hơn các mùa khác.
Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm theo mùa có thể ảnh hưởng sức khỏe người dân, trong đó có nhóm người già, phụ nữ mang thai, trẻ em. Sốt xuất huyết, tay chân miệng hoành hành trong năm 2023 gây gánh nặng bệnh tật lớn. Các bệnh này hiện đã có vaccine nhưng chưa phê duyệt tại Việt Nam. Ngoài ra, cúm, dại, viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, sởi, tiêu chảy do rotavirus… cũng phổ biến ở giai đoạn giao mùa.
Vì vậy, tiêm vaccine được coi là bước chuẩn bị cần thiết để chuyến du lịch, du xuân thêm an toàn. Ngoài tiêm chủng, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các địa phương trước khi du lịch để có phương pháp phòng bệnh phù hợp.
Nếu ở trong nước, các gia đình có thể tìm kiếm thông tin trên báo, đài hoặc website của Bộ Y tế, các sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương đó. Trường hợp du lịch nước ngoài, các lưu ý được cung cấp tại trang của CDC Mỹ hoặc WHO, các đơn vị giám sát bệnh tật. Để chuẩn bị hành lý, giấy tờ tốt hơn, các thông tin mọi người cần quan tâm là: thời tiết, các dịch bệnh mới xuất hiện gần đây, yêu cầu về tiêm chủng…
Trước chuyến đi, bạn nên tiêm một số loại vaccine để ngừa bệnh hô hấp như cúm mùa, phế cầu, ho gà – bạch hầu – uốn ván…; tránh bệnh đường tiêu hóa với các mũi tiêm ngừa tả, thương hàn, Rotavirus cho trẻ dưới 8 tháng tuổi. Vaccine cũng giúp loại trừ nhầm lẫn triệu chứng với bệnh tương tự, tránh biến chứng nặng do đồng nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc.
Mọi người nên tiêm phòng đầy đủ trước khi đi du lịch ít nhất 2 tuần để tạo ra kháng thể tốt. Nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người thích tiếp xúc một số động vật… cần được tiêm ngừa càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, khi đi du lịch cuối năm, mọi người nên chuẩn bị và mang theo các loại thuốc cần thiết như giảm đau, hạ sốt, siro ho, thuốc tiêu chảy, kiểm soát bệnh nền (nếu có), nhằm phòng trường hợp chuyến đi kéo dài hoặc khó tiếp cận các dịch vụ y tế khẩn cấp… Người dân đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên; ăn uống thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe.
Mộc Thảo
VNVC có 150 trung tâm bao phủ trên khắp cả nước, cam kết cung ứng đầy đủ các loại vaccine chất lượng tốt, giá bình ổn, đặc biệt sách ưu đãi giá nhân dịp cuối năm… Người dân có thể ghé bất kỳ trung tâm VNVC ở địa phương để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.