DNVN – Dư địa chính sách cho đổi mới sáng tạo còn rất nhiều nếu như kết nối được lĩnh vực này với chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới cũng như kết nối sớm được qua cách tiếp cận thử nghiệm chính sách.
Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế trong kỉ nguyên mới” ngày 14/1 tại Hà Nội, TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2024 Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế – xã hội ấn tượng, toàn diện. Tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét, đạt 7,09% trong năm 2024. Lạm phát đạt 3,63%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Quốc hội. Quan trọng hơn, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào triển vọng kinh tế trở nên tích cực hơn, thể hiện phần nào qua các con số như vốn FDI thực hiện đạt tới 25,35 tỷ USD, kiều hối ước đạt tới 16 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã chủ động hoàn thiện khung chính sách cho đổi mới, sáng tạo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, qua đó đã tạo ra không khí hứng khởi cho cộng đồng khoa học trong những tuần gần đây.
“Với các chính sách kịp thời, có chất lượng để phát triển các công nghệ mới, Việt Nam đã trở thành “quê hương mới” của nhiều nhà đầu tư lớn. Dư địa chính sách cho đổi mới, sáng tạo còn rất nhiều nếu như kết nối được các lĩnh vực này với chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, và nếu kết nối sớm được qua cách tiếp cận thử nghiệm chính sách”, bà Minh nhận định.
TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, triển vọng kinh tế năm 2025 có thể bị tác động bởi nhiếu yếu tố như tính bất định cao khi xung đột có thể tiếp tục leo thang ở nhiều khu vực. Giá cả hàng hoá có thể biến động đáng kể do hệ quả của cú sốc về khí hậu, căng thẳng địa chính trị leo thang. Cùng đó là cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số cũng như cạnh tranh thương mại – công nghệ giữa các siêu cường gia tăng.
Việt Nam có thể có một số cơ hội quan trọng. Đó là cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt xu hướng phát triển khoa học – công nghệ có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Liên quan đến vấn đề xúc tiến xuất khẩu xanh, các chuyên gia của CIEM chỉ ra rằng, đây xu hướng không thể đảo ngược. Các nước phát triển tăng cường quy định xanh, từ đó ảnh hưởng đến nhập khẩu và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Trong đó, EU đưa ra CBAM, EUDR; các FTA thế hệ mới có các điều khoản liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải nắm vững xu thế này để giữ tốc độ tăng trưởng, giữ được thị phần.
Trong bối cảnh này cơ hội đối với Việt Nam là rất lớn. Theo đó, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh; tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đồng thời mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư từ các đối tác có cam kết về phát triển bền vững.
Tuy vậy, bối cảnh hiện nay cũng đặt ra không ít thách thức, khiến sức cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam suy yếu trong ngắn hạn. Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ xuất khẩu xanh còn chưa hoàn thiện. Thiếu nguồn nhân lực để chuyển đổi sang sản xuất xanh. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn và quy định về sản phẩm xanh của Việt Nam chưa hoàn thiện và thiếu tính đồng bộ.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cung tham gia chuỗi giá trị. Chưa có thói quen sử dụng các phương thức xử lý tranh chấp hiện đại cho hoạt động thương mại xuyên biên giới. Thêm vào đó, tư duy chính sách đối với tiếp cận và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chưa được hoàn thiện.
Theo Viện trưởng CIEM, Việt Nam đã thẳng thắn nhận diện không ít khó khăn, thách thức, như rủi ro về bẫy thu nhập trung bình, các yếu tố tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh…
“Với tâm thế ấy, các khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để Việt Nam quyết liệt hơn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế có tính căn bản hơn, tập trung vào đổi mới, sáng tạo và hội nhập để nền kinh tế có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và các thập niên tiếp theo, Viện trưởng CIEM nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu kiến nghị cần có ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Tận dụng mô hình kinh tế mới, nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện năng suất lao động, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng.
Theo ông Dennis Quennet – Cố vấn trưởng chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực dù một số nhiệm vụ cần hoàn thành. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được chủ yếu thông qua thương mại và đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, 1 năm thành công về thu ngân sách Nhà nước, năng suất lao động đã có nhiều cải thiện.
“Năm 2025, chúng tôi rất lạc quan về nền kinh tế Việt nam khi Việt Nam thực hiện 3 nhiệm vụ chính: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung phát triển kinh tế nội tại, đặc biệt là nguồn nhân lực; cải cách bộ máy theo hướng tinh gọn để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng cần được đẩy mạnh”, ông Dennis Quennet chia sẻ.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/nhieu-du-dia-chinh-sach-cho-doi-moi-sang-tao/20250114101458302