Theo đó, 9 dự án nhà ở xã hội đã được khởi công nhưng đến nay sau hơn 1 năm vẫn “án binh bất động”. Chẳng hạn, dự án của Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP.Thủ Đức) với 360 căn hộ, có thể đáp ứng 1.000 chỗ ở cho công nhân đã khởi công hồi tháng 4.2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể xây dựng do vướng pháp lý.
Dự án này phục vụ cho công nhân tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành, dự án không được hưởng các ưu đãi về nhà ở xã hội như tăng hệ số sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi… bởi đất xây dựng dự án là đất thương mại, dịch vụ trong khu công nghiệp. Chủ đầu tư đã gửi kiến nghị lên UBND TP.HCM để xin gỡ vướng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội tại P.Long Trường, TP.Thủ Đức; dự án Dragon E-Home của Công ty Dragon Village, TP.Thủ Đức; dự án nhà ở xã hội của Công ty Nguyên Sơn tại Bình Chánh; dự án nhà ở xã hội MR1 của Công ty CP Đầu tư – xây dựng Xuân Mai Sài Gòn tại khu đô thị Eco Green, Q.7… sau lễ khởi công rầm rộ cũng rơi vào thảm cảnh tương tự bởi vướng thủ tục pháp lý không thể cấp phép xây dựng.
Mới đây, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận các dự án nhà ở xã hội của TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Trong các chương trình, đề án theo Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra mục tiêu đưa 50 triệu m2 sàn nhà ở vào sử dụng, nhưng 2 năm đầu chỉ có 13,5 triệu m2 sàn. Trong 3 năm còn lại, mỗi năm thành phố cần 12,5 triệu m2 sàn nhưng quý 1/2023 chỉ đạt khoảng 1 triệu m2.
Đặc biệt, TP.HCM đặt mục tiêu có khoảng 35.000 nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân, nhưng đến nay chỉ mới có 1 dự án hoàn thành với 260 căn. Trong 18 dự án nhà ở xã hội đăng ký, có 9 dự án khởi công, động thổ nhưng đều vướng chính sách liên quan các luật Nhà ở, đất đai, tài sản công. Hiện, Sở Xây dựng đang tham mưu UBND TP.HCM phân nhóm dự án và xác định trách nhiệm tháo gỡ của từng sở, ngành.