(TN&MT) – Chiều 10/3, tại tỉnh Gia Lai, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắc LắK, Đắk Nông, Lâm Đồng) và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội nghị còn có: Phó Chủ tịch tỉnh UBND Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền; đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện lãnh đạo các Sở TN&MT các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc LắK Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tại Hội thảo, Đại điện một số địa phương cho biết, đã tập trung, nỗ lực triển khai Nghị quyết 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 170 của Chính phủ. Kết quả ban đầu của hoạt động lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn cho thấy, Dự thảo Luật Đất đai lần này đã có nhiều đổi mới, cơ bản tháo gỡ những bất cập ở địa phương trong thời gian qua.
Tập hợp tâm huyết, trí tuệ để xây dựng Luật Đất đai sửa đổi
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc, là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội.
Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và xuất phát từ yêu cầu mới của quản lý nhà nước, yêu cầu của thực tiễn đặt ra sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ – UBTVQH15 ngày 23/12/2022 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170/NQ – CP ngày 31/12/2022 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Bộ đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật trên website lấy ý kiến Nhân dân (luatdatdai.monre.gov.vn) để các tổ chức, cá nhân có liên quan có điều kiện tiếp cận ngay với dự thảo Luật cũng như các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ tại Quyết định số 120/QĐ-BTNMT. Kế hoạch đã đề ra nhiệm vụ và thời gian tổ chức các Đoàn công tác theo dõi, đôn đốc các địa phương lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ cũng xác định rất rõ, việc tiếp thu ý kiến Nhân dân phải hết sức nghiêm túc, cầu thị, đầy đủ, kịp thời, có giải trình rõ ràng. Và để thực hiện được đúng như yêu cầu đề ra, ngay trong quá trình tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170, Bộ đã đề xuất gửi Báo cáo tổng hợp lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật của các địa phương, Bộ ngành cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Thông qua đó, các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ giám sát sát sao việc tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân của cơ quan soạn thảo. Bộ cũng phân công rất cụ thể cho nhóm chuyên gia trong Tổ Biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải theo dõi từng nội dung để tổng hợp, giải trình một cách tốt nhất, bảo đảm sửa đổi Luật Đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng như kỳ vọng của Nhân dân và nhiệm vụ mà Nghị quyết 18 – NQ/TW đề ra. “Bộ TN&MT rất mong muốn tập hợp được những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của tất cả các tầng lớp Nhân dân về dự án Luật đặc biệt quan trọng này. Bộ cũng xác định rất rõ, việc tiếp thu ý kiến Nhân dân phải hết sức nghiêm túc, cầu thị, đầy đủ, kịp thời, có giải trình rõ ràng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng gợi ý một số vấn đề xin ý kiến 7 địa phương về: tình hình triển khai Nghị quyết số 170 của Chính phủ tại địa phương; những kết quả bước đầu đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tại địa phương… Đặc biệt là, nội dung lấy ý kiến về 9 nhóm vấn đề trọng tâm mà Chính phủ xin ý kiến, trong đó có 4 nội dung có tính đặc trưng của vùng, miền, cụ thể là: Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Vấn đề quản lý, sử dụng đất nông lâm trường; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất, phát triển quỹ đất; Việc quản lý, sử dụng đất có mặt nước ven biển đối với các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Dự thảo Luật có nhiều đổi mới, cơ bản tháo gỡ những bất cập ở địa phương
Tại Hội nghị, đại điện các địa phương cho biết, đã tập trung, nỗ lực triển khai Nghị quyết 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 170 của Chính phủ và theo kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn, cho thấy Dự thảo Luật Đất đai lần này đã có nhiều đổi mới, cơ bản tháo gỡ những bất cập ở địa phương trong thời gian qua.
Đồng thời, tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; bảng giá đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, sử dụng đất nông lâm trường … với mong muốn hoàn thiện Dự thảo Luật một cách tốt nhất, góp phần đưa chính sách, pháp luật đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước, bảo vệ quyền lợi của người dân.
Góp ý về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, Điều 17 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đã giao Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương cụ thể hóa chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung thêm quy định về hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống sản xuất; quản lý bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.
Đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị bổ sung quy định về hộ gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm, dự thảo Luật đã quy định theo hướng ưu tiên giải quyết đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, có trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất ở để làm nhà nhưng không có tiền để nộp, do đó đề nghị bổ sung quy định đối với việc ghi nợ tiền sử dụng đất đối với trường hợp này.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân của 7 địa phương và các ý kiến góp ý tập trung, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương tại Hội thảo. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung đôn đốc các Sở ngành tổng hợp ý kiến của Nhân dân trên địa bàn gửi Bộ TN&MT, cơ quan chuyên trách của Quốc hội theo Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đề ra theo đúng tiến độ.
Thứ trưởng đề nghị Tổ biên tập, các cơ quan chức năng của Bộ tổng hợp, rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của 7 địa phương và đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu hồ sơ Dự án Luật để tiếp tục góp ý vào các điều khoản của Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). “Bộ TN&MT luôn mong muốn lắng nghe các góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật từ nay đến trước khi Quốc hội thông qua trên tinh thần xây dựng Luật bám sát các chủ trương của Đảng, nâng cao chất lượng, tháo gỡ vướng mắc, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.