Dù triển khai xây dựng, thậm chí thi công vượt tiến độ, song nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa thể bán hàng vì dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.
Dự án Mega City tại TP. Bến Cát của Kim Oanh Group đang mòn mỏi chờ cơ quan chức năng định giá đất. (Ảnh: V.D) |
Hồ hởi trở lại thị trường
Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn cuối năm. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc để chốt doanh số cho cả năm nay. Điều này được chứng minh bằng việc nhiều chủ đầu tư tung ra các sản phẩm mới, các sàn giao dịch cũng bắt đầu tuyển quân để phân phối sản phẩm.
Chẳng hạn, mới đây, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai mở lại giỏ hàng đặt chỗ cho 400 căn hộ thuộc Dự án Lavida Plus tại quận 7 (TP.HCM), dự kiến mở bán chính thức trong tháng 9 này với mức giá khoảng 45 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, Nam Long Group thông báo mở bán giai đoạn mới phân khu cao tầng thuộc Khu đô thị Mizuki Park Bình Chánh cũng trong tháng này.
Tại Long An, Công ty cổ phần Bất động sản Seaholdings và Công ty cổ phần Xây dựng Phước Thành đã chính thức bắt tay hợp tác để triển khai Dự án Destino Centro. Theo đó, Dự án dự kiến xây dựng trong năm 2024, cung cấp hơn 2.000 căn hộ hiện đại với đa dạng loại hình, từ căn hộ 1 phòng ngủ đến các căn hộ cao cấp 3 phòng ngủ, cùng với 10 căn thương mại dịch vụ.
Bên cạnh đó, thị trường địa ốc cũng chào đón sự trở lại của nhiều tên tuổi sau thời gian tái cấu trúc. Điển hình là Novaland với việc khởi động thi công hoàn thiện và bàn giao các sản phẩm tại nhiều dự án, như Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Việc bàn giao nhà tại các dự án giúp Novaland ghi nhận doanh thu thuần gần 1.900 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và bàn giao tổng cộng 2.600 sản phẩm trong những tháng cuối năm 2024.
Hay như Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt vừa được giao thêm gần 15,8 ha đất Khu đô thị Bắc Hà Thanh tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định). Đến nay, dự án này đã được giao 90% đất. Doanh nghiệp đang đẩy nhanh hoàn tất việc tính tiền sử dụng đất, tiến hành xây dựng để đủ điều kiện mở bán dự án trong tháng 9/2024.
Mòn mỏi chờ gỡ vướng pháp lý
Trái ngược với sự hồ hởi trở lại thị trường với những chuyển động mới, thì nhiều doanh nghiệp lại “đứng ngồi không yên” khi dự án vẫn “tắc” về pháp lý.
Chẳng hạn, tại tỉnh Bình Dương, Dự án Phú Đông SkyOne của Công ty TNHH Đầu tư Phú Đông 5 đã thi công hoàn thành đóng nắp hầm vượt tiến độ để xây dựng lên phần thân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể tiến hành mở bán vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đóng tiền sử dụng đất theo quy định.
Tương tự, Dự án Chung cư Tân An có tên thương mại là Tecco Luxury do Công ty cổ phần Tổng công ty Tecco Miền Nam làm chủ đầu tư đã được cấp giấy phép xây dựng từ lâu, Dự án cũng đã được chủ đầu tư xây dựng. Song, tới nay, dự án này mới trong danh sách mời gọi thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất. Dẫu vậy, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn xác định giá đất cụ thể cũng không phải chuyện dễ.
Cụ thể, ngày 10/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã chào mời 29 gói thầu xác định tiền sử dụng đất tại 29 dự án bất động sản. Trong đó, có các dự án như Mega City tại TP. Bến Cát của Kim Oanh Group cần định giá với 24,6 ha đất giao mới và điều chỉnh; Khu nhà ở Bình Minh (TP. Bến Cát) của Công ty Địa ốc Bình Minh cần định giá 29 ha đất các loại; Khu nhà ở Quang Phúc 3 (huyện Bắc Tân Uyên) của Công ty Nhà Quang Phúc cần định giá 8,6 ha các loại đất.
Trước đó, đầu tháng 3/2024, sở này cũng duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 29 gói thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể tại các dự án bất động sản, với tổng giá trị các gói thầu là 3,2 tỷ đồng.
Một số dự án trong danh sách này như Chung cư Tecco Luxury (TP. Thuận An) của Công ty cổ phần Tổng công ty Tecco Miền Nam; Khu nhà ở Thuận An 1 và Thuận An 2 của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt; Chung cư A&T Sky Garden (TP. Thuận An) của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị A&T Bình Dương…
Danh sách dự án bất động sản tại Bình Dương chờ xác định giá đất ngày càng dài và cứ 2 – 3 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương lại chào thầu một lần. Không ít dự án được chào thầu từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa lựa chọn được đơn vị tư vấn.
Chính việc chậm trễ tính tiền sử dụng đất đã làm kế hoạch kinh doanh của không ít doanh nghiệp bị đảo lộn, bởi đây là khâu quan trọng nhất để doanh nghiệp tính toán giá bán sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là thủ tục cần thiết để doanh nghiệp có thể tổ chức bán hàng. Nếu bán hàng trước thì phạm luật và có bán hàng cũng không thể ký được hợp đồng mua bán với khách hàng…
Trong một sự kiện mới đây, bà Dương Thanh Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy thẳng thắn chia sẻ rằng, ách tắc cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Lấy câu chuyện cụ thể tại Tập đoàn Trung Thủy làm minh chứng, bà Thủy cho hay, không dự án nào của doanh nghiệp này phát triển dưới 7 năm, thậm chí có dự án bà phải dành “một phần ba cuộc đời” để theo đuổi.
“Một dự án của chúng tôi tại TP.HCM dù đã cất nóc tầng 40, dự kiến bàn giao cuối năm nay, nhưng vẫn chưa thể mở bán. Nguyên nhân là, trong suốt 8 năm qua, không cơ quan nào quyết định việc định giá đất, cho dù Công ty đã nộp hồ sơ để đóng tiền sử dụng đất”, bà Thủy chia sẻ.
Theo các chuyên gia, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản gặp phải hiện nay chủ yếu liên quan đến pháp lý (khoảng 70%). Có những dự án bị vướng mắc kéo dài cả chục năm chưa xong. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần sớm có phương án định giá đất cho địa phương áp dụng, đồng thời rút ngắn quy trình để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/nhieu-doanh-nghiep-van-bat-dong-cho-khoi-thong-phap-ly-d224099.html