Tăng, giảm chưa đều trong nhóm ngành công nghiệp
Ngày 16/5, theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê Tp.Đà Nẵng, lĩnh vực công nghiệp tại địa phương trong tháng 4 mặc dù có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung mà nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang phải đối mặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là nhóm ngành chủ chốt công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 4/2023 ước tăng 3,7% so với tháng trước, tăng 1,2% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành giảm 2,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 4,3%; ngành khai khoáng tăng 78%, do một số đơn vị được cấp phép hoạt động trở lại, đồng thời một số doanh nghiệp ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm có giá trị lớn; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,9%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 28,0%.
Bình quân 4 tháng đầu năm, IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,3% so với cùng kỳ, trong đó có một số ngành giảm sâu như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 27,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 24,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 20%…
Tính riêng trong tháng 4/2023, một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành trên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm cho chỉ số IIP sụt giảm khá mạnh. Cụ thể như Công Ty TNHH Maxtrix Việt Nam thuộc – ngành 32 “công nghiệp chế biến chế tạo khác”, Công ty Cổ phần chế tạo và kết cấu thép Vneco SSM – ngành 25 “sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)”, Công ty Công Ty TNHH Đầu Tư Và Phát Triển Công Nghệ Hưng Đại ngành 37 “thoát nước và xử lý nước thải”…
Ông Vũ lý giải, những đơn vị này trong tháng không có đơn hàng dẫn đến khối lượng sản phẩm dự kiến sản xuất trong tháng so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ sụt giảm khá lớn.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tìm được hướng đi phù hợp, tìm kiếm và duy trì được đơn hàng đều đặn góp phần kìm hãm sự sụt giảm của chỉ số IIP chung.
Một số nhóm ngành có chỉ số IIP duy trì mức tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2023 phải kể đến như: sản xuất đồ uống tăng 34,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 26,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 33,6%…
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: thịt cá đông lạnh giảm 41,8%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người giảm 81,4%; bê tông trộn sẵn giảm 19,1%; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5w giảm 7,9%.
Ở chiều ngược lại, trong 4 tháng đầu năm 2023, nhờ mở rộng và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, một số doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất sản phẩm, cụ thể: bộ phận và các phụ tùng của máy tính; đá xây dựng tăng 81,5%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 32,6%, bộ lọc dầu, xăng cho động cơ đốt trong tăng 26,7%…
Chỉ số sử dụng lao động giảm nhẹ
Theo ông Vũ, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sử dụng lao động giảm 3,7% so với cùng kỳ, riêng ngành khai khoáng có chỉ số sử dụng lao động tăng khá cao so với cùng kỳ 38,4%, góp phần kìm hãm mức giảm chung của toàn ngành.
Các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đều có giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 4/2023 tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 4,6% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,4% và giảm 3,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 4,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,1% và tiếp tục giảm sâu 15,2%.
Xét theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng so với cùng thời điểm tháng trước không có sự biến động như so với cùng thời điểm năm trước tăng 15,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước và giảm 4,6% so với tháng cùng kỳ; hoạt động sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải so với tháng trước không đổi nhưng so với cùng kỳ giảm lần lượt 2% và 6%.
“Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn khá chậm. Với đa phần doanh nghiệp thuộc nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ; có trình độ công nghệ không cao; năng lực tài chính hạn chế; khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp; hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao… dẫn đến sản phẩm tạo ra có sức cạnh tranh thấp, khó tiếp cận vào chỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ chia sẻ.