Tâm điểm chú ý trong tuần là việc giá vàng liên tục phá đỉnh mới. Giá vàng thế giới và trong nước liên tục neo cao. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga – Phó Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM đã đưa ra một số nhận định về thị trường vàng hiện tại.
Ông nhận định như thế nào về tình hình thị trường vàng SJC khi nhiều ngày qua, giá vàng SJC liên tục tăng mạnh, nguyên nhân do đâu?
– Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh. Trong năm 2023 giá vàng thế giới đã tăng 14% (dự báo có thể tăng tới 20% trong năm nay), trong khi giá vàng trong nước chỉ tăng 10%. Thị trường vàng hiện nay được kết nối với nhau trên toàn cầu và giá cả bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cung và cầu quốc tế, tỉ giá hối đoái và tâm lý nhà đầu tư.
Xung đột ở Trung Đông, Ukraina và những bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới đã dẫn đến các nền kinh tế và người dân thế giới tìm một tài sản trú ẩn an toàn từ xa xưa, đó là vàng.
Cầu tăng cao (ngân hàng trung ương tại nhiều nước đã mua vào hơn 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm 2023 và có thể mua đến 1.000 tấn trong năm 2023) trong bối cảnh nguồn cung hạn chế bởi lệnh cấm vận của phương Tây với Nga (Nga là nước xuất khẩu vàng thứ 3 trên thế giới). Chừng nào những xung đột này còn tồn tại hoặc leo thang, nhu cầu về vàng dự kiến sẽ vẫn mạnh, điều này có thể đẩy giá vàng lên cao.
Thứ hai, các kênh đầu tư trong nước từ chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đều rủi ro, bên cạnh lãi suất tiền gửi thấp và lo sợ lạm phát kỳ vọng, nên người dân cất giữ tài sản dưới dạng truyền thống là vàng. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có dự tính giảm lãi suất vào đầu năm 2024 sẽ dẫn đến đồng tiền giảm giá và vàng sẽ là sản phẩm thay thế và phòng ngừa lạm phát.
Thứ ba, cuối năm là dịp lễ cưới và đầu năm âm lịch là lễ hội ở khắp Việt Nam. Vàng từ lâu đã có ý nghĩa quan trọng trong lễ cưới và lễ hội. Nó tượng trưng có sự thịnh vượng và may mắn. Do đó, nhu cầu về vàng thường tăng vào cuối năm bởi yếu tố truyền thống và văn hóa.
Thứ tư, nhu cầu vàng tăng cao trong thời điểm bất ổn có thể dẫn đến hành vi mua đầu cơ. Điều này có thể đẩy giá vàng lên cao khi các nhà đầu cơ tìm cách hưởng lợi từ việc tăng giá tiềm năng. Do nắm bắt được nhu cầu tăng cao vào cuối năm, các thương nhân và nhà đầu tư mua mang tính đầu cơ, càng đẩy giá lên cao.
Hiện tại, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vàng SJC là vàng độc nhất. Có ý kiến cho rằng, nên mở nút thắt để nhiều doanh nghiệp khác có thể nhập vàng, nghĩa là tự do hóa hoàn toàn. Ông có ý kiến như thế nào về quan điểm này?
– Trong kinh tế, cạnh tranh là động lực để phát triển. Sự đa dạng của thị trường là cần thiết để thúc đẩy thị trường hình thành và phát triển. Sự thành công của nền kinh tế sẽ được kích hoạt bởi sự gia tăng các hoạt động và các giao dịch. Muốn giao dịch ra tăng, cần đẩy mạnh cạnh tranh và cho phép, kích thích sự tham gia đa số người dân vào các hoạt động kinh tế. Thị trường vàng theo đó không phải là ngoại lệ.
Hiện nay nhà nước gần như độc quyền trong lĩnh vực nhập khẩu vàng SJC, do vậy mới có tình trạng giá trong nước cao hơn giá thế giới hàng chục triệu đồng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cho phép các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tham gia kinh doanh vàng miếng, nhưng điều kiện đưa ra hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn trên 100 tỉ đồng). Do vậy, vẫn còn tình trạng độc quyền nhóm trong lĩnh vực này và việc cấu kết hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Theo cá nhân tôi, Ngân hàng Nhà nước nên giảm điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào kinh doanh vàng miếng để gia tăng sức cạnh tranh, làm lành mạnh hơn thị trường và trực tiếp làm giảm giá vàng. Điều này kích thích giao dịch nhiều hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, hiện nay chưa nên tự do hoàn toàn và kinh doanh không cần điều kiện của ngành nữ trang, bởi tình trạng bất đối xứng thông tin trong thị trường vàng và cần kiểm soát chất lượng vàng các chủng loại.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã được hơn 10 năm, do vậy cần có những điều chỉnh để phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong ngành bán lẻ vàng, cần tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để gia tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu độc quyền và câu kết giữa các doanh nghiệp chi phối thị trường.
Hơn nữa, việc vàng hóa ở nước ta đã được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, đã đến lúc thả nổi từ từ thị trường vàng để thị trường tự điều tiết theo quy luật cung cầu, gia tăng sức cạnh tranh của ngành vàng và cả nền kinh tế.
– Xin cảm ơn ông!