Diễn đàn do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức. Diễn đàn tập trung thảo luận vấn đề lãi vay, tỷ giá, môi trường đầu tư… Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”.
Ông Phương cũng cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7.2023 đã tăng 3,9% so với trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỉ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỉ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỉ USD…
Ông Phương dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, khu vực doanh nghiệp phải được tiếp sức vượt qua khó khăn; sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14 – 15 %
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14 – 15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Theo ông Nghĩa, một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, có 3 yếu tố để thấy tỷ giá năm nay giảm, USD khó “sốt” trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá – song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).
Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.
“Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023 – 2024 sẽ duy trì ổn định. Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, ông Nghĩa nói.
Về lãi suất, theo ông Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nên giảm, miễn thuế giá trị gia tăng đến hết 2025
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định.
“Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam thì mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi. Nhưng thực tế, chưa thấy cải cách thay đổi bên trong đủ bù đắp phần khó khăn từ bên ngoài. Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Cũng theo ông Cung, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp. Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, nhất là thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Dự báo khó khăn còn đến 2024, nên Chính phủ cần duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu vì thời điểm khó khăn như hiện nay chưa phải lúc tính chuyện tăng thu ngân sách.
Vấn đề quan trọng hơn cả, theo vị chuyên gia này, đó là cải cách môi trường kinh doanh. Nhất là trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí.