Việt Nam đã tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và nhiều lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD.
Tháng 11/2023, đoàn đại biểu Việt Nam lên đường bảo vệ báo cáo quốc gia lần 5 về thực thi công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD 5) tại Geneva, Thụy Sĩ. Báo cáo mới đánh dấu những bước tiến và nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục bảo đảm thực thi các chính sách bảo vệ nhân quyền, cũng như chính sách đối với người dân tộc thiểu số (DTTS) và người nước ngoài ở Việt Nam (NNN).
Nhiều điểm mới trong báo cáo lần 5
Báo cáo CERD 5 của Việt Nam theo sát các quyền được nêu trong CERD và tình hình thực hiện, thành tựu của Việt Nam, với một số nội dung nổi bật tiếp tục được nhấn mạnh.
Thứ nhất, báo cáo tập trung vào định nghĩa phân biệt chủng tộc và đánh giá sự phù hợp của định nghĩa phân biệt chủng tộc trong các điều Luật của Việt Nam.
Khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ chế vận hành tạo ra hệ thống giám sát chặt chẽ, khoa học, đảm bảo sự tuân thủ của các cơ quan công quyền trong thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền nói chung, hạn chế sự phân biệt chủng tộc nói riêng trong quá trình thực thi công vụ. Việc giám sát thực thi nhân quyền được thực hiện bởi 3 chủ thể gồm cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm các tổ chức xã hội) và người dân.
Thứ hai, báo cáo nêu bật kết quả thực hiện các cam kết cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của người DTTS và NNN sinh sống tại Việt Nam, đặc biệt trong việc thụ hưởng những quyền được nêu tại Điều 5 Công ước CERD, bao gồm: 11 quyền dân sự chính trị (được đối xử bình đẳng trước toà án và các cơ quan tài phán khác; quyền an ninh cá nhân và bất khả xâm phạm thân thể; quyền về chính trị, bầu cử và ứng cử; tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; được xuất cảnh khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình, và được quay trở lại nước mình; có quốc tịch; kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân; thừa kế; tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tự do ngôn luận và báo chí; tự do hội họp và lập hội); 6 quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (có việc làm; quyền về nhà ở; được chăm sóc y tế công cộng, an sinh xã hội; được giáo dục và đào tạo; được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hoá; được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng).
Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc hoặc kích động thù hằn dân tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật công chức, Luật viên chức, Luật Lao động, NĐ88/2015/ND-CP…)
Các nội dung khác
Thực hiện Điều 9 Công ước CERD và tài liệu HRI/GEN/2/Rev.6, từ năm 2017 đến năm 2020, báo cáo CERD 5 được biên soạn bởi Ban soạn thảo liên ngành gồm các Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối soạn thảo Báo cáo. Tháng 12/2020, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD tới Ủy ban Công ước CERD.
Báo cáo được xây dựng trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân qua thư điện tử và tại một số hội thảo tham vấn do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Báo cáo CERD 5 của Việt Nam tập trung vào hai nội dung chủ yếu. Đầu tiên là khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các dân tộc thiểu số như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tại Điều 1 Công ước CERD.
Báo cáo cũng chia sẻ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023, bao gồm nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết… giúp Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam.
Báo cáo khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, và những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng.
PA