Ngày 17-2, Bộ Y tế cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, cả nước không ghi nhận các trường hợp mắc cúm độc lực cao ở người như: cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9)… đồng thời cũng không ghi nhận ca mắc Covid-19, đậu mùa khỉ và MERS-CoV-2.
Song, có tới 357 người mắc sốt xuất huyết, 225 ca mắc tay chân miệng và 1 ca tử vong do bệnh dại ở Cà Mau. Các bệnh truyền nhiễm khác không ghi nhận các ổ dịch lớn và cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, hiện là mùa đông xuân và sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 là mùa lễ hội đầu xuân nên nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân tăng rất cao là những điều kiện thuận lợi khiến nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, như: cúm, sởi, tay chân miệng, Covid-19… Để phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động, như: vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phòng chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.
Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus và tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
NGUYỄN QUỐC