Chỉ tiêu sử dụng đất năm 2022 của cả nước đạt thấp
Theo Báo cáo sơ kết của Bộ TN&MT 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) cấp tỉnh, đồng thời với việc hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.
Cụ thể, đến nay, có 10 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh (gồm: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Bình, Long An). Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) của các tỉnh: Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh. Ngoài ra, có 6 tỉnh đã có đề nghị thẩm định hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) gồm Hà Giang, Thái Bình, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An (nộp trước khi được phê duyệt quy hoạch tỉnh), Kiên Giang nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh nên chưa đủ cơ sở thẩm định.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 360/CĐ-TTg ngày 02/5/2023 về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao và tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025.
Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể: về đất trồng lúa, chỉ tiêu đến năm 2025 cả nước giảm 184.000ha, nhưng đến hết năm 2022 lại tăng 13.140ha; về đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu đến hết năm 2025 cả nước tăng 53.400ha, tuy nhiên, đến hết năm 2022 chỉ tăng 2.090ha; về đất giao thông, thực hiện đạt 10,74%; về đất thể dục thể thao đạt 5,91%; đất khu công nghiệp đạt 3,61%; đất công trình năng lượng đạt 11,25%…
Trong khi đó, nhiều địa phương đang đề xuất điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, chủ yếu tập trung vào đất trồng lúa, đất khu công nghiệp… Cụ thể, qua tổng hợp số liệu đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 của các địa phương, đối với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa, có 1 tỉnh đề xuất tăng 120ha và 29 tỉnh đề xuất giảm với diện tích là 90.781ha thì đến năm 2025 cả nước còn 3,642 triệu ha, tiệm cận diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm quốc gia (2021 – 2025) là 3,568ha.
Đặc biệt, về chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất tăng với diện tích 46.038ha, chỉ có 1 tỉnh đề xuất giảm 58ha; về chỉ tiêu sử dụng đất giao thông có 31 tỉnh đề xuất tăng với diện tích là 32.701ha và không có địa phương đề xuất giảm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 02/5/2023, ngày 10/5/2023, Bộ TN&MT vừa có công văn số 3226 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 360. Trong đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất và đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030, phân kỳ thực hiện đến năm 2025. Đồng thời, nêu rõ lý do tăng, giảm so với chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 về Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.
Bộ TN&MT cho rằng, việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ cho các địa phương còn thấp. Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ TN&MT sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) cấp tỉnh; phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đồng thời, Bộ sẽ tổng hợp đề xuất của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.
Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục rà soát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; các dự án vi phạm pháp luật đất đai; các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.