Phát huy nội lực trong kêu gọi, vận động xã hội hóa, thời gian qua, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã huy động hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Dịp đầu năm 2023, người dân làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) phấn khởi khi lễ hội cầu ngư của làng được khôi phục sau hàng chục năm mai một. Sinh hoạt văn hoá dân gian này được khôi phục là nhờ địa phương vừa hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp tỉnh đền Đông Hải (đền thờ cá Voi) – di tích gắn liền với lễ hội cầu ngư.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Đông Hải (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) vừa được trùng tu, xây dựng.
Ông Trần Văn Tuấn (53 tuổi, người dân thôn Lâm Hải Hoa, Xuân Liên) bày tỏ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi ngôi đền hàng trăm năm tuổi gắn liền với tín ngưỡng thờ vị thần Đông Hải hộ trì cho ngư dân được trùng tu, xây dựng khang trang. Hơn nữa, cùng với việc tôn tạo lại đền, lễ hội cầu ngư của làng Cam Lâm cũng được khôi phục, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, qua đó, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng”.
Tổng số vốn trên 6 tỷ đồng trùng tu, xây dựng đền Đông Hải (Xuân Liên) đều do Nhân dân đóng góp.
Đền Đông Hải được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Năm 2018, đền được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Sau thời gian xuống cấp, từ năm 2020 tới nay, xã Xuân Liên đã vận động kêu gọi người dân địa phương cũng như con em xa quê trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài đóng góp, trùng tu, tôn tạo lại đền. Sau 3 năm vận động xã hội hóa, ngôi đền được trùng tu và xây dựng mới nhiều hạng mục với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng.
Xuân Liên hiện có 14 di tích đã được xếp hạng, trong đó 1 di tích cấp quốc gia là Nhà thờ Nguyễn Bật Lãng và 13 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2019 tới nay, bằng hình thức kêu gọi, vận động người dân đóng góp, xã Xuân Liên đã huy động được khoảng hơn 10 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích đã được xếp hạng. Có thể kể đến các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Mộ và nhà thờ Tô Khôi, nhà thờ họ Hoàng Văn, đền Bến…
Nhờ trùng tu, khôi phục di tích đền Đông Hải, Lễ hội Cầu ngư Cam Lâm cũng được phục hồi.
Những ngày này, chính quyền và người dân xã Thạch Khê (Thạch Hà) cũng đang vui mừng trông chờ Nhà Sắc – một di tích lịch sử văn hóa có lịch sử khoảng trên 200 năm của địa phương được trùng tu tôn tạo. Thời gian qua, thông qua sự vận động kêu gọi của xã, người dân trên địa bàn và con em xa quê đã quyên góp được hơn 950 triệu đồng để trùng tu di tích này.
Sau thời gian xuống cấp, hư hỏng, Nhà Sắc (nơi đựng sắc phong vua ban cho các cá nhân, dòng họ) với tuổi đời trên 200 năm ở xã Thạch Khê (Thạch Hà) có cơ hội được trùng tu, tôn tạo nhờ sự vận động đóng góp của người dân.
Trước đó (từ năm 2020), Thạch Khê đã huy động xã hội hóa được khoảng 5 tỷ đồng để trùng tu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Nhà thơ Nguyễn Hữu Ngân (1,5 tỷ đồng), nhà thờ họ Dương (200 triệu đồng)… Đặc biệt, công trình vừa hoàn thành gần đây nhất là di tích Nhà bia trị thủy đang chờ xếp hạng với vốn kêu gọi xã hội hóa 2 tỷ đồng.
Công trình Nhà bia trị thủy vừa được khánh thành tại xã Thạch Khê (Thạch Hà) với nguồn đầu tư 2 tỷ đồng từ sự huy động xã hội hóa.
Ông Trương Quốc Hải – Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê cho biết: “Để huy động được nguồn xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, chúng tôi thành lập ban vận động, tăng cường công tác truyền thông giới thiệu về những giá trị của di sản văn hóa quê hương trên mạng xã hội. Đồng thời, kết nối với hội đồng hương con em Thạch Khê ở khắp ba miền Bắc Trung Nam, tổ chức trực tiếp gặp gỡ kêu gọi. Phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết của quê hương, nhiều bà con đã sẵn lòng hướng về quê nhà quyên góp ủng hộ”.
Video: Ông Trương Quốc Hải nói về việc xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo di tích.
Những ngày này, bà con xã Tượng Sơn cũng phấn khởi huy động hàng trăm nhân công mỗi ngày để trùng tu, tôn tạo đền Phú Sơn – di tích lịch sử văn hóa vừa được xếp hạng cấp tỉnh cuối năm 2022.
Đền Phú Sơn (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) vừa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Thông qua sự kêu gọi của UBND xã, Công ty CP Tập đoàn Thái Vương (Hà Nội) đã đứng ra tài trợ trùng tu, xây dựng lại ngôi đền với số vốn khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, việc trùng tu sẽ phục hồi, giữ nguyên các yếu tố gốc của di tích, đồng thời xây dựng thêm một số hạng mục mới. Quy mô của công trình có diện tích 3 ha.
Người dân xã Tượng Sơn tham gia lao động trùng tu, tôn tạo đền Phú Sơn.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Hà cho biết: “Thạch Hà hiện có 110 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 7 di tích quốc gia. Đến nay, cơ bản các di tích trên địa bàn đều được quan tâm trùng tu tôn tạo; riêng năm 2022, đã trùng tu 11 di tích với tổng nguồn kêu gọi xã hội hóa gần 17 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo 26 di tích đảm bảo hồ sơ, trong đó: 13 di tích đã thực hiện được từ 30% – 90% khối lượng công trình, 13 di tích còn lại đang triển khai các bước, chuẩn bị khởi công; tổng nguồn kêu gọi xã hội hóa gần 20 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ gần 3 tỷ đồng”.
Theo ông Nguyễn Tùng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL), trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc thời gian qua, các địa phương tích cực vận động, kêu gọi Nhân dân và các nhà tài trợ trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa là hành động rất thiết thực và có ý nghĩa. Trong đó, việc khôi phục, tu bổ những di tích có nhiều giá trị nhưng chưa được xếp hạng là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Mong muốn thời gian tới, các địa phương tiếp tục phát huy nội lực, cùng với các cấp, ngành nỗ lực hơn nữa trong công tác xã hội hóa nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn.
Thiên Vỹ