Nhiều đại học Mỹ đã đăng tải những thông tin khuyến cáo sinh viên quốc tế về việc đi lại, ra vào nước này sau khi Tổng thống đắc cử ông Donald Trump nhậm chức, 20.1.2025; cũng như trấn an sinh viên về những thay đổi chính sách có thể gây bất lợi với cộng đồng quốc tế ở các trường.
Khuyến cáo những thay đổi chính sách bất lợi cho sinh viên quốc tế
Ngày 15.11.2024, Phòng Quan hệ quốc tế Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) đã đăng lên tài khoản Instagram nội dung khuyến cáo sinh viên quốc tế nên quay trở lại Mỹ sau kỳ nghỉ đông trước ngày Tổng thống đắc cử ông Donald Trump nhậm chức, 20.1.2025. Văn phòng này nêu rõ chính quyền Tổng thống mới có thể ban bố một số lệnh cấm hoặc hạn chế ra vào Mỹ đối với công dân quốc tế trong ngày đầu Tổng thống đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng.
“Dựa vào những kinh nghiệm trước đây về những lệnh cấm nhập cảnh được thực thi năm 2016 dưới thời Tổng thống Trump, Phòng Quan hệ quốc tế đưa ra khuyến cáo này nhằm có những sự thận trọng và hy vọng sẽ hạn chế những gián đoạn đi lại đối với cộng đồng quốc tế của trường”, văn phòng này viết.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Boston cũng đã có khuyến cáo tương tự đối với sinh viên quốc tế về việc quay trở lại Mỹ sau kỳ nghỉ đông trước ngày 20.1. Theo thông báo, một số sắc lệnh mới được chính quyền mới ban hành có thể ảnh hưởng đến việc đi lại (chủ yếu là nhập cảnh Mỹ) và xử lý thị thực. Ngoài ra, việc chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến nhân sự tại các lãnh sự quán, đại sứ quán ở nước ngoài, và như vậy, ảnh hưởng đến thời gian xử lý thị thực.
Trước đó, ngay sau khi có kết quả bầu cử, Đại học bang Lousiana (Louisiana State University) đã gửi email đến toàn bộ sinh viên quốc tế để trấn an và tổ chức một buổi giải đáp các thắc mắc, quan ngại liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ năm 2024 và những chính sách di trú có thể được áp dụng. Email viết: “Xin hãy yên tâm rằng chưa có những thay đổi chính sách ngay lập tức, và chính quyền mới đắc cử vẫn chưa có hiệu lực đến tận tháng 1.2025.”
Năm 2020, sau khi có kết quả bầu cử là Tổng thống đắc cử ông Joe Biden, các trường gần như không phát đi những thông báo này.
Nhi Nguyễn, sinh viên năm 4, ngành kỹ sư hóa học, Đại học bang Louisiana, cho biết sau mỗi đợt bầu cử, đều có chút lo lắng về việc đi lại ngoài Mỹ. “Ông Trump có khá nhiều phát biểu về luật nhập cư, và nó khiến mình có chút lo lắng về việc ra vào Mỹ, có thể sẽ gặp khó khăn hơn,” Nhi nói. Nhi là du học sinh tại Mỹ từ năm 2017 từ THPT, chuẩn bị tốt nghiệp đại học và đang tìm kiếm việc làm tại đây. Nhi lo lắng rằng với những chính sách siết chặt nhập cư sẽ khiến các công ty hạn chế tuyển dụng người nước ngoài. “Mình mong các chính sách sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến du học sinh,” Nhi chia sẻ.
Chính sách bất lợi trước đó
Năm 2017, một tuần sau khi nhậm chức, cựu Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh và ngừng nhận hồ sơ tị nạn đối với công dân của 7 nước Hồi giáo chiếm đa số gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen. Sắc lệnh hành pháp này khiến việc đi lại của các sinh viên quốc tế bị ngừng trệ.
Thị thực du học của Mỹ khác với một số quốc gia là điểm đến du học phổ biến như các nước châu Âu, Úc, Singapore. Những nước này khi cấp thị thực du học, du học sinh sẽ được cấp thêm thẻ cư trú thời hạn theo thời gian hoàn thành khóa học. Khi ra vào các nước này, du học sinh không cần gia hạn thị thực nếu thẻ cư trú còn hạn.
Tuy nhiên, ở Mỹ, thời hạn thị thực tùy vào từng nước, với Việt Nam là 1 năm, và du học sinh sẽ được cấp I-20, tức Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tình trạng sinh viên không định cư, để ở Mỹ hợp pháp dựa trên thời gian học. Tuy nhiên, khi rời khỏi Mỹ, nếu thị thực hết hạn (và I-20 còn hạn), du học sinh phải gia hạn (gần như làm lại hồ sơ thị thực từ đầu) để nhập cảnh lại vào Mỹ. Điều này khiến các trường quan ngại về việc xử lý thị thực và thời gian xử lý nếu du học sinh rời Mỹ và làm lại hồ sơ lúc chuyển giao chính quyền Tổng thống mới.
Năm 2020, giữa đợt dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra chỉ thị rằng những sinh viên quốc tế học toàn bộ trực tuyến thì không được ở lại Mỹ hợp pháp, cũng như sinh viên quốc tế mới, chuẩn bị nhập học, nếu không có lớp học trực tiếp sẽ không được cấp I-20. Đại học Havard và MIT đã đệ đơn kiện chính quyền cựu Tổng thống Trump, và thắng kiện, bảo vệ quyền lợi của du học sinh tại Mỹ.
Theo Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times), số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký vào các đại học Mỹ, thường tăng mỗi năm, đã giảm 15% trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Xu hướng này bắt đầu trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Ngoài sắc lệnh cấm đi lại với công dân 7 nước năm 2016, ông Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và lan đến các đại học. Một số báo cáo ghi nhận sự chậm trễ cấp thị thực tại California cho các học giả Trung Quốc và sự giám sát của liên bang đối với nghiên cứu của những học giả này.
Vì thế mà các thông báo từ các trường đợt nghỉ đông này không chỉ hướng đến sinh viên quốc tế, mà còn đến với nghiên cứu sinh, giáo sư quốc tế.
Tiến sĩ Trương Thành Trung, giáo sư trợ giảng (Assistant Professor) ngành toán tại Đại học Marshall, bang Tây Virginia, cho biết bản thân anh không quá lo ngại về việc ra khỏi Mỹ và vẫn về Việt Nam nghỉ đông với gia đình. Anh sẽ quay lại trước ngày 20.1. Tuy nhiên, theo quan sát, một số du học sinh anh biết cũng khá quan ngại việc ông Trump tái đắc cử và một số công ty luật cũng khuyến cáo người nước ngoài không nên rời khỏi Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức.
Việt Nam có 22.066 sinh viên đang theo học tại Mỹ, đông thứ 6 thế giới
Theo dữ liệu của Viện Giáo dục quốc tế, Việt Nam có 22.066 sinh viên đang theo học tại Mỹ, đông thứ 6 thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, và Đài Loan. Hơn 1,1 triệu sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ để tham gia các chương trình bậc đại học, sau đại học hoặc đào tạo làm việc sau đại học vào năm 2023-2024, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, hơn nửa triệu sinh viên quốc tế (502.291) đã theo học bậc sau đại học tại Mỹ vào năm 2023-2024, tăng 8% và là mức cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, số lượng sinh viên quốc tế ở lại Mỹ để tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế thông qua Chương trình đào tạo thực hành tùy chọn (OPT) đạt mức cao kỷ lục là 242.782 sinh viên, tăng 22% so với năm trước.
Sinh viên quốc tế chiếm 6% tổng số sinh viên đại học tại Mỹ và đóng góp hơn 50 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2023, theo Bộ Thương mại nước này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-dh-khuyen-cao-sinh-vien-quoc-te-tro-lai-my-truoc-khi-ong-trump-nham-chuc-185241123221108623.htm