GIA LAI Ở huyện Chư Păh, có những đại lý đã bỏ hoàn toàn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học để tập trung kinh doanh phân bón hữu cơ và thuốc sinh học.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đang trở thành xu hướng, qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững.
Huyện Chư Păh là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh Gia Lai với hơn 55.000ha. Những năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển các diện tích cây ăn trái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng các giống mới cho năng suất cao, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, người dân nơi đây từng bước áp dụng quy trình chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV sinh học để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nông dân “nói không” với thuốc hóa học
Những năm gần đây, sử dụng thuốc BVTV sinh học đang trở thành phong trào của người dân trên địa bàn huyện Chư Păh (Gia Lai) để hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Những vùng cây ăn trái ở các xã Ia Nhin, Ia Ka, Ia Mơ Nông… (huyện Chư Păh), người dân ngày càng chú trọng sử dụng thuốc BVTV sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với môi trường mà cây trồng vẫn cho năng suất, chất lượng tốt.
Khu vườn 2,7ha với nhiều cây ăn quả như sầu riêng, nhãn, bơ, bưởi… của gia đình anh Bùi Văn Dương (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) được trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) trong nhiều năm qua. Chính vì trồng theo hướng hữu cơ nên vườn cây của gia đình anh Dương “nói không” với các hóa chất độc hại, đặc biệt là các dòng thuốc hóa học điều trị bệnh trên cây trồng.
Anh Dương cho biết, do vườn cây của gia đình trồng xen canh nên dễ bị nhiễm chéo các sinh vật gây hại như rầy, rệp và sâu ăn lá. Khi bị các sâu hại này, gia đình tuyệt đối không dùng thuốc hóa học để tiêu diệt mà chủ yếu dùng chế phẩm men vi sinh do mình tự tạo ra để khắc chế.
“Đa phần sâu rầy, rệp có tính kiềm trong ruột, khi đó mình sẽ sử dụng các chủng vi sinh vật, chẳng hạn như bacillus kết hợp với men ủ tỏi, riềng… để tiêu diệt sâu bệnh hiệu quả”, anh Dương chia sẻ.
Anh Dương cũng cho biết, trước đây anh cũng sử dụng thuốc hóa học nhưng thấy chi phí quá cao và đặc biệt sức khỏe của gia đình không được đảm bảo, người lúc nào cũng cảm thấy khó thở nên anh đã quyết định mày mò nghiên cứu, chế biến phân bón và chế phẩm hữu cơ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh để an toàn cho gia đình và người tiêu dùng.
Xuôi về xã Ia Mơ Nông, người dân nơi đây hiện cũng đã có ý thức và rất quan tâm sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc trong canh tác.
Gia đình anh Lê Kim Long (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) có vườn cà phê 2,2ha và chanh dây gần 4 sào. Nhận thức được việc sử dụng thuốc hóa học khiến môi trường bị ô nhiễm cũng như sức khỏe gia đình không được đảm bảo nên anh Long đã dần chuyển đổi sang sử dụng thuốc sinh học.
Đặc biệt, vườn chanh dây của gia đình đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ để hướng đến thị trường xuất khẩu nên tuyệt đối không thể sử dụng thuốc hóa học. Anh Long cho biết, phần lớn các vườn chanh dây trên địa bàn thường bị nhiễm các bệnh phấn trắng, nấm bã trầu, mắt cua… Nguyên nhân do thời tiết thất thường, nguồn cây giống và quy trình chăm sóc không đảm bảo.
Khi cây chanh dây bị bệnh phấn trắng, gần như không có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm. Chính vị vậy, cách tốt nhất là phòng bệnh bằng cách đưa những cây nhiễu bệnh ra khỏi vườn, đồng thời sử dụng định kỳ thuốc sinh học để kiểm soát dịch hại.
“Trồng cây gì cũng vậy, sức khỏe phải được quan tâm hàng đầu. Khi sử dụng thuốc sinh học, môi trường làm việc trong lành hơn, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn. Đặc biệt, sử dụng thuốc sinh học giúp cây chanh dây đảm bảo an toàn về dư lượng hóa chất, có thể xuất khẩu sang châu Âu, mang lại giá trị cao hơn gia đình”, anh Long chia sẻ.
Thuốc sinh học ngày càng chiếm lĩnh
Huyện Chư Păh được xem là thủ phủ của các loại cây ăn quả nên nơi đây cũng tập hợp rất nhiều các đại lý phân bón và thuốc BVTV. Nếu như trước đây, phân bón và thuốc hóa học chiếm lĩnh toàn bộ không gia trưng bày tại các đại lý thì nay xuất hiện ngày càng nhiều hơn các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Thậm chí, có những đại lý đã bỏ hoàn toàn phân bón và thuốc BVTV hóa học để tập trung kinh doanh phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Ông Đoàn Thơm, chủ đại lý phân bón Năm Thơm (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết, nếu như trước đây phần lớn người dân sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng thì nay xu hướng chuyển sang dùng thuốc BVTV sinh học ngày càng tăng nhanh. Tính riêng tại đại lý của ông Thơm, lượng tiêu thụ thuốc BVTV sinh học gần như đã ngang bằng với thuốc hóa học.
Theo ông Thơm, sử dụng thuốc sinh học sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại giúp tăng độ bền và không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện trên thị trường cũng có nhiều loại thuốc BVTV sinh học như: Thuốc sinh học nano, thuốc sinh học chiết xuất từ thảo mộc, thuốc sinh học chứa các vi sinh vật…
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất – Thương Mại – Dịch vụ – Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, hiện nay xu hướng người dân đang sử dụng ngày càng nhiều thuốc sinh học bởi không độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, sử dụng thuốc sinh học cần phải thực hiện đồng loạt trên khắp các vườn cây thì mới mang lại hiệu quả.
Theo lý giải của ông Thanh, thuốc hóa học vẫn cho hiệu quả cao hơn trong việc diệt trừ sâu bệnh. Trong khi thuốc sinh học cần phải phun nhiều lần trên cùng diện tích vườn cây mới mang lại hiệu quả, như vậy rất tốn kém khi phải mua nhiều thuốc, tốn tiền thuê nhân công.
“Để lan tỏa sử dụng thuốc BVTV sinh học, Cục Bảo vệ thực vật cũng như ngành nông nghiệp địa phương cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về những lợi ích mà loại thuốc này mang lại. Từ đó, nông sản của Việt Nam sẽ không bị tồn dư chất hóa học để phục vụ thị trường xuất khẩu”, ông Thanh kiến nghị.
Bà Lê Thị Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh cho biết thời gian gần đây, cùng với việc tăng nhanh sử dụng thuốc BVTV sinh học, người dân trên địa bàn huyện cũng đã tự tìm tòi để sản xuất ra các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ.
Trên cơ sở đó, hàng năm đơn vị đã tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Theo bà Lê Thị Ngọc Sơn, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất với UBND huyện Chư Păh có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Từ đó, người dân sẽ mạnh dạn và lan tỏa sử dụng ngày càng nhiều thuốc BVTV sinh học để hướng đến nên nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nhieu-dai-ly-chi-con-ban-phan-huu-co-thuoc-sinh-hoc-d400096.html