Những câu chuyện được chia sẻ trong sự kiện ‘Sứ lạ: Vùng thực hành đa phương’ mới được tổ chức ở The Outpost tại Hà Nội, đã gợi mở nhiều con đường cho loại hình nghệ thuật gốm sứ.
Nhắc đến gốm sứ, ta nghĩ đến những đồ vật như bát, đĩa sứ – những vật dụng hằng ngày được làm từ đất sét, trải qua quá trình nung đốt để tạo nên thành phẩm cuối cùng.
Các diễn giả tại sự kiện. (Ảnh: Phương Thảo) |
Tuy nhiên, dưới con mắt của những người nghệ sĩ hiện đại, gốm vượt xa định nghĩa thông thường đó, mà được nhìn nhận như một chất liệu thực hành nghệ thuật.
Thực hành gốm không đơn thuần là tạo tác đồ vật, mà là việc sử dụng các chất liệu như đất sét, các đồ vật mang tính tự thân, kết hợp cùng khả năng mà nghệ sĩ có thể tạo tác, chuyển đổi trên chất liệu gốm.
Đến với gốm một cách tự nhiên, mỗi người nghệ sĩ lại có một cách thực hành nghệ thuật với gốm khác nhau.
Nguyễn Duy Mạnh, một người nghệ sĩ thị giác với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hội họa và sợi, đã thách thức giới hạn của việc thực hành gốm với những tác phẩm mang tính hành vi mạnh mẽ: những vết xước, vết cào xé, vết rạch, nhào nặn lên những khối rắn đầy khác biệt.
Ẩn chứa sâu trong đó là những suy nghĩ, cảm nhận về sự nứt gãy, rạn vỡ về trong phương thức sản xuất, mối quan hệ láng giềng, những bi kịch mà ngôn ngữ nói không thể biểu đạt được.
Tác phẩm “Hoa trong thớ đất” của nghệ sĩ Nguyễn Duy Mạnh. (Nguồn: The Muse Artspace) |
Còn với nghệ sĩ Linh San, cô gái khi mong muốn được nói bằng thứ có thể chạm vào được, đã tìm đến gốm với nhiều cách “chơi” mỏng, dày khác nhau.
Cô tìm kiếm sự mỏng nhẹ như giấy với tác phẩm “Những đêm”, như lớp da với “Phụ chương”, hay tận dụng tính thấu quang của sứ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc biệt với ánh sáng trong “Cổ này tay nọ”…
Có thể thấy nghệ thuật thực hành gốm vô cùng đa dạng và biến đổi sáng tạo. Qua bàn tay của người nghệ sĩ, gốm sứ có thể nói thứ tiếng nói mà những chất liệu khác không thể làm được.