Ngày 25-3, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ (NGO), các đại học trong và ngoài nước đã có mặt tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), đưa ra nhiều góc nhìn xây dựng nguồn nhân lực trẻ ngành công tác xã hội.
Từ năm 2016, ngày 25-3 được Thủ tướng Chính phủ lấy làm Ngày Công tác xã hội Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Nhã – giám đốc điều hành văn phòng dự án Christina Noble Children’s Foundation (CNCF), một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại nhiều quốc gia với các chương trình trợ giúp cho trẻ em – cho biết trước đây, các đầu việc công tác xã hội thường không được chú trọng.
Người làm vị trí này thường không có chuyên môn, thường được phân công điều động trái ngành, chẳng hạn trưởng phòng công tác xã hội các bệnh viện thường là bác sĩ kiêm nhiệm.
Tuy nhiên hiện nay, các cơ quan, đơn vị bắt đầu ưu tiên tuyển nhân sự có chuyên môn vào các phòng công tác xã hội.
Nhiều công ty, doanh nghiệp có phòng ban CSR cũng săn tuyển những bạn trẻ đúng chuyên ngành để triển khai các hoạt động xã hội cho doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn.
Ông Nhã cho biết thêm ngoài các công việc trong nước, còn có những tổ chức phi chính phủ, ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn làm việc.
“Để làm việc cho các dự án xã hội mang tính quốc tế, trước hết bạn cần có tâm huyết đóng góp cho cộng đồng đủ lớn. Một số dự án đến những vùng sâu, vùng xa khó khăn tại các quốc gia còn nghèo, chỉ khi thật sự nhiệt huyết mới có thể theo đuổi”, ông Nhã nói.
Giáo sư Tamir Chultemsuren, phó hiệu trưởng Trường Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Mông Cổ, cho biết tại Mông Cổ, nhân lực ngành công tác xã hội vẫn đang rất thiếu.
Các bạn trẻ khá ngại ngành học này, phần lớn do lương không cao mà công việc lại rất áp lực, từ việc tiếp xúc với đối tượng cần giúp đỡ, tìm nguồn tài trợ đến phối hợp với các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ khác.
“Tôi nhận thấy đây là xu hướng chung của nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế được cải thiện, sẽ có thêm nhiều nguồn lực tài chính và sự đầu tư cho các hoạt động xã hội. Nhân lực làm việc cho ngành này sẽ được đãi ngộ cao hơn”, giáo sư Tamir Chultemsuren nói.
Cũng theo giáo sư Tamir Chultemsuren, một điểm nổi bật ở nhiều sinh viên Việt Nam mà ông nhận thấy là các bạn luôn chủ động tham gia những dự án xã hội từ khi còn rất trẻ.
Nhiều bạn mạnh dạn sáng lập những dự án rất sáng tạo, hỗ trợ cho trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật… khi còn đang đi học.
Liên tục cập nhật chương trình
PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn, trưởng khoa công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết hiện nhiều trường đại học trong và ngoài nước đang cung cấp những chương trình học bổng cho bạn trẻ theo học ngành công tác xã hội. Nhiều doanh nghiệp, các quỹ xã hội cũng tham gia cấp học bổng, thu hút thêm sinh viên theo học ngành này.
Ngoài ra theo ông Chẩn, chương trình ngành công tác xã hội tại các trường đại học Việt Nam đang có những biến chuyển tích cực.
Chương trình luôn được cập nhật dựa trên nhu cầu thực tế, bổ sung những kỹ năng cần thiết cho công việc công tác xã hội hiện đại như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, quản lý dự án.
“Nếu sinh viên muốn mở ra thêm nhiều cơ hội, có thể làm việc cho những tổ chức phi chính phủ quốc tế, ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu”, ông Chẩn nói.