Tuy nhiên, có một số cách để nhận diện những bảng điểm IELTS gian lận này bằng mắt thường, theo thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Cụ thể, theo anh Khoa, chỗ làm giả thường có phông chữ khác với các ký tự xung quanh. Thứ hai, điểm thành phần không khớp với điểm tổng làm tròn theo quy định của IELTS. Thứ ba, mã số hội đồng có thể không khớp với hội đồng thi. “Cuối cùng, mã số thí sinh (mã TRF) thường chứa 3 chữ đầu của họ. Nếu ứng viên họ này nhưng mà lại ghi họ khác, rất có thể đó là chứng chỉ giả”, thạc sĩ Khoa nhận định.
Đồng tình, thạc sĩ Hoàng Anh Khoa, Giám đốc học thuật The M-english Home (TP.HCM), cũng cho biết mã số thí sinh là “chìa khóa” quan trọng vì nhiều đối tượng làm giả chứng chỉ không hiểu ý nghĩa của dãy số này. “Tuy nhiên, nếu gặp đội ngũ chuyên nghiệp thì rất khó để phát hiện ra. Chưa kể, dịch vụ hậu kiểm chứng chỉ của IDP và Hội đồng Anh cũng không còn mở đại trà như trước”, thầy Khoa chia sẻ.
Vì lẽ đó, để tuyển dụng được nhân sự chất lượng, thạc sĩ Khoa nhìn nhận không chỉ đánh giá ứng viên dựa trên điểm IELTS mà còn thông qua nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, thầy Khoa sẽ yêu cầu ứng viên dạy thử để đánh giá kỹ năng nói và nếu ngữ pháp khi nói “có vấn đề”, điều này cũng sẽ thể hiện kỹ năng viết. “Sau đó, ở quá trình thử việc, tôi cũng yêu cầu ứng viên chia sẻ kiến thức và xem video buổi dạy của các bạn. Chứng chỉ có thể làm giả được, nhưng quá trình đứng lớp thì không”, thầy Khoa nói.
Thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Sư phạm, ĐH Durham (Anh) thì bày tỏ quan ngại với thị trường “mua” chứng chỉ IELTS giả như hiện nay. Anh Vũ dẫn chứng, có nơi rao tin chỉ cần trả 4.900 USD (118 triệu đồng), thông tin của ứng viên sẽ được “cập nhật trên hệ thống toàn cầu”. Cũng theo anh Vũ, điểm IELTS cao không đồng nghĩa với năng lực sư phạm tốt và ngược lại. Việc các cá nhân “đua” nhau thi lấy điểm cao, thậm chí là mua chứng chỉ giả, có thể dẫn đến hệ lụy khó lường.
“Quy trình tuyển dụng sẽ tùy thuộc nhiều vào trung tâm và việc được nhận vào làm hay không chủ yếu sẽ qua khâu dạy thử. Thực tế, nhiều bạn chưa tốt nghiệp ĐH, cũng không học ngành liên quan đến tiếng Anh nhưng vẫn có thể được chấp nhận làm giáo viên. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là một buổi dạy thử ngắn, thường chỉ trong vòng 20 phút sẽ khó phản ánh được năng lực sư phạm của ứng viên”, anh Vũ nêu quan điểm.
Dưới góc độ tuyển sinh, ông Andy Phạm, Quản lý cấp cao khu vực Mê Kông tại ĐH Quốc gia Úc, khẳng định ứng viên không thể làm giả các chứng chỉ như IELTS, PTE để nộp hồ sơ du học. Bởi lẽ, các trường đều có tài khoản riêng để truy cập vào hệ thống dữ liệu của IELTS để kiểm tra lại xem số điểm đó có chính xác và của đúng người hay không.
“Còn với chứng chỉ PTE, chính đơn vị tổ chức kỳ thi sẽ báo điểm trực tiếp về trường nên không có cách nào làm giả được. Nếu vi phạm, chúng tôi không chỉ hủy hồ sơ ứng tuyển mà còn lưu tên ứng viên có hành động gian lận trong hệ thống của trường. Hơn nữa, nếu ứng viên này nộp hồ sơ thông qua các trung tâm du học là đối tác của trường, chúng tôi cũng sẽ đặt vấn đề về trách nhiệm với đơn vị đó”, ông Andy lưu ý.
Chiêu trò liều lĩnh của tiến sĩ giả: Tự thêm tên mình vào bài báo khoa học với người nổi tiếng