Sau cuộc họp phụ huynh cho con học lớp 5, anh Đỗ Tiến Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) đăng trạng thái bày tỏ sự thất vọng lên mạng xã hội. Anh viết: “Gần 90% cha mẹ lướt điện thoại trong khi đang chia sẻ về giải pháp làm sao để con rời bỏ điện thoại, máy tính bảng”.
Các bậc cha mẹ liên tục kêu ca con không tập trung học vì nghiện mạng xã hội. Có phụ huynh kể, cứ tan học về nhà là con lại hỏi điện thoại, máy tính bảng để giải trí. Dù người lớn giấu thiết bị ở đâu trẻ cũng cố tìm bằng được, không thì sẽ khóc lóc ăn vạ. Có người thở dài “tôi thật sự bó tay vì con nghiện điện thoại quá mức, nói mãi không nghe“.
Nhiều người còn đổ lỗi vì “con khó bảo”, “tính con ương bướng” và ngỏ lời nhờ giáo viên chỉ dạy thêm ở trường.
“Nói con thì cũng cần nhìn nhận lại cha mẹ. Ngay trong cuộc họp, nhiều phụ huynh vẫn mải mê lướt Facebook, mua sắm trực tuyến, xem video giải trí”, anh Trung nói và cho rằng cha mẹ không làm gương được thì sẽ chẳng có giải pháp nào để cấm con sử dụng điện thoại. Muốn con thay đổi thì chính bản thân cha mẹ phải sửa mình trước tiên.
Cô Trần Thị Mỹ Trinh, giáo viên trường THPT Phan Ngọc Hiển (Cần Thơ) cũng có trải nghiệm tương tự khi đi họp phụ huynh cho trẻ mầm non. Cô nhớ trong buổi họp hôm ấy, đến 50% phụ huynh sử dụng điện thoại. Có lẽ họ cho rằng “trẻ mẫu giáo chỉ xoay quanh hoạt động ăn và chơi nên phụ huynh không cần quá tập trung”.
Ngược lại, tại ngôi trường cô công tác, cha mẹ học sinh lại rất sát sao trong những buổi họp phụ huynh. “Phụ huynh liên tục đưa ra ý kiến và bàn luận về các vấn đề liên quan đến chuyện học hành, thi cử, chọn trường của con em. Tình trạng sử dụng điện thoại chỉ chiếm khoảng 5-10%”, cô Trinh nói.
Thường sử dụng điện thoại khi đi họp phụ huynh cho con, chị T.T.My (Thanh Trì, Hà Nội) giãi bày, do đặc thù công việc thường xuyên phải vào Internet nên chị rất khó rời khỏi chiếc điện thoại.
“Dù xin nghỉ phép ngày hôm đó nhưng hạng mục tôi phụ trách lại không có ai thay thế. Tin nhắn trong nhóm làm việc cứ đổ liên hồi, tôi không trả lời thì vấn đề bị bỏ ngỏ, sếp không hài lòng”, phụ huynh này bộc bạch.
Nhiều lúc chị My cũng cảm thấy ái ngại khi bấm điện thoại với tần suất cao, nhưng chị nói không thể làm khác được.
Theo báo cáo Ứng dụng di động phổ biến nhất Việt Nam 2023, người Việt dành khoảng 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh. Trung bình trong một tuần, mỗi người Việt sử dụng 20,5 ứng dụng.
Sử dụng điện thoại trong một thời gian dài có thể dẫn đến khô mắt và hội chứng “tech neck” (chứng đau cơ cổ và cột sống do thường xuyên cúi chơi điện thoại, máy tính bảng). Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều thông tin trực tuyến có thể làm tăng mức độ căng thẳng và cảm giác bất an.
THI THI
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo