Thời gian qua, Quảng Nam đã thực hiện nhiều công tác nhân quyền trên địa bàn và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách dân tộc – tôn giáo, các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống và quyền con người của nhân dân.
Cụ thể, giữa năm 2023, Ban chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ đoàn phóng viên báo chí Trung ương đến thực tế, tuyên truyền thành tựu nhân quyền tại tỉnh Quảng Nam.
Ngoài buổi gặp gỡ và thông báo về tình hình nhân quyền tại địa bàn tỉnh, đoàn công tác gồm các phóng viên báo đài trung ương, ban ngành, địa phương khác được trực tiếp tìm hiểu về nỗ lực của Quảng Nam về trong việc bảo đảm sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân ở Trà Leng sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng năm 2020, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển du lịch, công tác bảo tồn, phát triển làng gốm Thanh Hà…
Vào ngày 7/8, tại Tp.Tam Kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức tập huấn công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền. Chương trình trở thành một điểm nhấn nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy nhân quyền trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Mới đây, nhân vụ việc một số đối tượng “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” từ các tỉnh, thành khác đến Quảng Nam hoạt động, tỉnh cũng đã có chỉ đạo sát sao nhằm ngăn ngừa nhóm biến tướng thành “tà đạo” với nhiều dấu hiệu tiêu cực, có yếu tố mê tín, dị đoan, trục lợi cá nhân, gây bức xúc và phẫn nộ trong quần chúng nhân dân, vi phạm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục.
UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ xuất hiện tại Quảng Nam.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, như hành vi xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xúc phạm, chia rẽ tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng tôn giáo để trục lợi…
Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, mức độ vi phạm để xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm hành vi trên không gian mạng.
Suốt năm 2023, Quảng Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhiều mặt trong công tác nhân quyền. Nhằm hỗ trợ địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và khai thác hiệu quả các tiềm năng phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả triển khai các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, phát triển kinh tế đảm bảo an ninh trật tự, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống ở địa phương; qua đó tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, cùng những nét đẹp văn hóa, truyền thống của tỉnh Quảng Nam, cũng như những mô hình hay về bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh… để nhân dân trong và ngoài nước cũng như du khách quốc tế biết nhiều hơn đến tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước bạn Lào. Tuyến biên giới Quảng Nam (Việt Nam) và Sekong (Lào) có chiều dài 157,488km với 60 cột mốc, 07 dấu mốc chạy dọc dãy núi Trường Sơn. 02 huyện Nam Giang, Tây Giang tiếp giáp 02 huyện Đắc Chưng và Kà Lùm với 14 xã giáp biên. Tổng dân số của 02 huyện Nam Giang, Tây Giang hơn 46.000 người, có 04 dân tộc thiểu số (dân tộc Cơ Tu chiếm đa số, tỷ lệ 72,9%); mật độ dân cư thưa, người dân chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy.
Vi Minh