Ngày 27.9, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, sau vài tuần tạm ổn thì hiện tại tình hình tay chân miệng đang bùng lên ở các tỉnh miền Tây trong bối cảnh trẻ bắt đầu đi học lại, đặc biệt ở Cần Thơ. Hiện tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 10 ca tay chân miệng nặng, trong đó có 8 bé thở máy với 2 bé lọc máu. Tất cả đều ở các tỉnh, đa số là miền Tây.
Bệnh viện cũng vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi 3 tuổi, ngụ tại Cà Mau trước đó bé có biểu hiện sốt, mệt được chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị. Bệnh nhi được chẩn đoán tay chân miệng. Sau 2 ngày thở máy, tình trạng bệnh nhi diễn tiến ngày càng xấu với tiên lượng nặng. Theo nguyện vọng của gia đình, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.
Theo bác sĩ Phạm Văn Quang, thời điểm nhập viện bệnh nhi đã trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng chỉ sau 15 phút nhập viện, bệnh nhi đã ngưng tim và tử vong với chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, hiện bệnh viện cũng đang điều trị cho 7 trường hợp tay chân miệng nặng, trong đó có 5 ca thở máy, 2 ca phải lọc máu.
Các dấu hiệu tay chân miệng trở nặng
Bác sĩ Quang lưu ý phụ huynh nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh tay chân miệng như hồng ban, bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông và loét họng… thì nên đưa trẻ đi khám bệnh. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nặng của tay chân miệng:
- Sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên 2 ngày
- Nôn ói nhiều
- Giật mình chới với
- Run chi, đi đứng loạng choạng
- Thở mệt
- Chi lạnh, da nổi bông
- Co giật, rối loạn tri giác…
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 20.9, cả nước đã ghi nhận hơn 80.700 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (47.896/3 ca tử vong) số ca mắc chân tay miệng tăng 68,6%, số ca tử vong tăng 18 trường hợp. Từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với virus EV71. Đây là chủng thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Cần chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng như thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh tay chân miệng dễ lây lan nhất là nếu do Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Đa phần trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên một số trường hợp, trẻ có thể diễn tiến nặng với các biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, tim
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn, bởi vì khi trẻ bị tay chân miệng sẽ rất khó ăn. Nên chú ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu miệng đau nhiều thì phải đi khám bác sĩ để cho thuốc giảm đau vùng miệng. Nếu chăm sóc tốt thì 5-7 ngày, trẻ sẽ khỏi bệnh.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm biến chứng với các dấu hiệu giật mình, thay đổi giấc ngủ. Nếu để trễ hơn trẻ có thể thở mệt, co giật, rồi mạch nhanh, không bắt được mạch.
Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Vi rút gây bệnh có nhiều trong nước bọt, vết loét, dịch bóng nước. Vi rút có thể tồn tại bề mặt đồ vật ở xung quanh trẻ bệnh. Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể.
Do đó phòng bệnh quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà bàn tay hay sờ chạm tới. Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ.