Xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau 4 năm triển khai Kế hoạch BVMT ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2025?
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2025, tính đến hết năm 2023, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Hóa chất – phân bón, thép, nhiệt điện, thuộc da, sơn, giấy, gốm sứ – thủy tinh, nhựa, bia – rượu – nước giải khát; dệt may, khai thác – chế biến khoáng sản; Kiểm kê đánh giá việc sử dụng và phát thải các chất hữu cơ khó phân hủy (POP, UPOP) từ ngành da giầy, gang thép, phân bón và hóa chất cơ bản; Kiểm kê đánh giá phát thải thủy ngân ngành nhiệt điện than; Nhận diện rủi ro và phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường trong một số ngành công nghiệp như nhiệt điện, da giầy, hóa chất cơ bản; Đánh giá tác động tổng thể môi trường và xã hội của một số trung tâm điện lực như Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu; Đánh giá hiện trạng phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; Đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với tấm pin năng lượng mặt trời…
Ông Vũ Ngọc Hưng – Trưởng phòng, Phòng Bảo vệ môi trường Công Thương – Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
Dựa trên kết quả điều tra, kiểm kê nguồn thải, nhận diện các nguy cơ ô nhiễm, Bộ tiếp tục tập trung xây dựng các giải pháp, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải trong từng ngành nhằm hạn chế phát sinh chất thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Bộ Công Thương cũng đang tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, đề án ưu tiên của Quyết định số 1375/QĐ-TTg đảm bảo đúng lộ trình, tiến độ và chuẩn bị xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn tiếp theo.
Theo đánh giá của ông, những khó khăn vướng mắc và thách thức trong quá trình triển khai Kế hoạch này là gì?
Trong 4 năm triển khai Kế hoạch BVMT ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã nhận được sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp ngành Công Thương và các địa phương trong công tác điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin, số liệu góp phần đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Kế hoạch cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Mặc dù Bộ Công Thương được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có nhiều ngành công nghiệp phát sinh nhiều loại chất thải, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP không quy định trách nhiệm thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp nói trên. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT, cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trong ngành Công Thương còn nhiều hạn chế và không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định các Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, đảm bảo liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả công tác bảo vệ môi trường của Bộ. Tuy nhiên, Nghị định 08/2022/NĐ-CP không quy định trách nhiệm báo cáo, khai báo thông tin môi trường của các cơ sở sản xuất về Bộ Công Thương. Do đó, công tác thu thập thông tin, dữ liệu môi trường ngành Công Thương còn hạn chế. Đây là một vấn đề bất cập do thiếu chế tài, công cụ quản lý nhà nước, nên việc thực hiện chế độ báo cáo, thông tin, dữ liệu chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật về BVMT, hằng năm, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ tài nguyên, môi trường quy định tại các văn bản của các cấp có thẩm quyền giao. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan về công tác bảo vệ môi trường và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Vậy, xin ông cho biết những nhiệm vụ tiếp theo của Cục ATMT trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu mà Kế hoạch đề ra?
Để quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn bám sát và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa các sự cố, rủi ro môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tập trung phối hợp cùng các bộ/ngành, địa phương triển khai thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương; Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, bao gồm các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động BVMT khác.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai; Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; quản lý, xử lý các tấm quang năng thải bỏ từ các nhà máy điện mặt trời; tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường…; Rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu, vật liệu và tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý theo đề xuất của Bộ TNMT; Duy trì, phát triển cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia theo quy định; Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như quản lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao; quản lý vận hành các hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cho các đơn vị (các Sở Công Thương địa phương, các Tập đoàn/Tổng công ty/doanh nghiệp ngành Công Thương) để tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về phát triển ngành công nghiệp môi trường được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/bo-cong-thuong-trien-khai-nhieu-bien-phap-thuc-hien-ke-hoach-bao-ve-moi-truong-nganh-cong-thuong.html